Hội nghị Thượng đỉnh ba bên sắp diễn ra giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người đồng cấp Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ dẫn tới việc thiết lập một cơ chế khung quan trọng về hợp tác an ninh giữa ba nước.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo đưa ra thông báo trên vào ngày 13/8, theo Yonhap.
Tổng thống Yoon Suk Yeol dự kiến sẽ rời Hàn Quốc vào ngày 17/8 bay đến Trại David, gần Thủ đô Washington (Mỹ), để tham dự Hội nghị - ông Kim Tae-hyo cho hay.
Các bên cũng đang tiến hành thảo luận để tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa nhà lãnh đạo Hàn Quốc với các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản.
Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh lần này, các bên sẽ tạo ra một cơ chế khung quan trọng trong tương lai về hợp tác an ninh ba bên nhằm tiến tới thể chế hóa khung hợp tác này - ông Kim Tae-hyo cho biết trong cuộc họp báo tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.
Thông qua Hội nghị, lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn cũng sẽ thảo luận về một tầm nhìn chung và các nguyên tắc cơ bản trong hợp tác ba bên, cũng như xây dựng các cơ chế hợp tác toàn diện và đa tầng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và ở mọi cấp độ.
Theo Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc, Hội nghị sắp tới cũng sẽ đóng vai trò tiếp tục củng cố hợp tác an ninh ba bên vì hòa bình và ổn định trong khu vực khi đối phó với những mối đe dọa chung.
Ba nhà lãnh đạo sẽ tổ chức các cuộc thảo luận chuyên sâu về các biện pháp hợp tác thực tiễn nhằm ứng phó với chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các biện pháp để hợp tác thúc đẩy thịnh vượng và phát triển tương lai của khu vực, bao gồm cách thức hợp tác về công nghiệp hiện đại và củng cố quan hệ đối tác để ứng phó với các vấn đề an ninh kinh tế như những rủi ro liên quan chuỗi cung ứng và năng lượng.
[Mỹ-Nhật-Hàn hướng tới tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên hằng năm]
Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới cũng hội tụ các mục tiêu vì tự do, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà cả ba nước theo đuổi - Ông Kim Tae-hyo cho hay.
Hội nghị Mỹ-Nhật-Hàn sắp tới sẽ tạo dấu mốc lịch sử cho Trại David như một địa điểm chứng kiến việc mở ra chương mới trong quan hệ ba bên. Các hoạt động tham vấn ba bên Mỹ-Nhật-Hàn sẽ có danh nghĩa độc lập rõ ràng là Cơ quan Hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ba nhà lãnh đạo sẽ có bữa trưa làm việc và tổ chức họp báo chung để tuyên bố các kết quả thảo luận.
Đây là lần đầu tiên diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn độc lập. Các nhà lãnh đạo của ba nước trước đó đã gặp nhau tổng cộng 12 lần nhưng đều là các sự kiện bên lề các hội nghị quốc tế khác.
Đầu tháng trước, Yonhap đưa tin một báo cáo của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ cho thấy ủy ban này đang tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
“Ủy ban thừa nhận tầm quan trọng của hợp tác phòng thủ chung với Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” - Ủy ban trên nêu rõ trong báo cáo về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2024.
Báo cáo đề ngày 30/6 nhấn mạnh NDAA tài khóa 2024 cần phải yêu cầu Bộ Quốc phòng trước ngày 1/3/2024 cung cấp cho Ủy ban Quân vụ một bản tóm tắt về “nỗ lực hợp tác phòng thủ chung với Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian gần đây."
Bản tóm tắt phải "nêu ra các cơ hội hoặc các sáng kiến mà qua đó Mỹ có thể tạo điều kiện tăng cường hợp tác quốc phòng song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hoặc tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, cũng như xác định các bước đi mới trong hợp tác ba bên nhằm răn đe các hoạt động gây bất ổn an ninh."
Trước đó, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Hiroshima (Nhật Bản hồi tháng Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nhất trí nâng cấp hợp tác ba bên lên tầm cao mới.
Lãnh đạo ba nước cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác chiến lược để “gia tăng sức mạnh răn đe, cũng như góp phần củng cố trật tự quốc tế tự do, cởi mở và dựa trên pháp quyền.”./.