Mỹ-Hàn Quốc không đạt thỏa thuận về chia sẻ chi phí quân sự

Trước đó, giới phân tích nhận định khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận trước cuối năm nay là rất thấp do vẫn bất đồng về số tiền Seoul đóng góp để duy trì USFK với quân số 28.500 binh sỹ.
Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Jeong Eun-bo (phải) và người đồng cấp Mỹ James DeHart tại vòng đàm phán chia sẻ chi phí quân sự ở Seoul ngày 17/12/2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Jeong Eun-bo (phải) và người đồng cấp Mỹ James DeHart tại vòng đàm phán chia sẻ chi phí quân sự ở Seoul ngày 17/12/2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 18/12, Hàn Quốc và Mỹ kết thúc các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quân sự mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào do không thu hẹp được những bất đồng về việc tăng mức tiền Seoul đóng góp cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK).

Ông Jeong Eun-bo, Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc và người đồng cấp Mỹ James DeHart đã tham dự vòng đàm phán mới kéo dài 2 ngày này để tiếp tục thảo luận về vấn đề chia sẻ chi phí quân sự cho USFK, trước khi Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) hết hiệu lực vào 31/12 tới.

Hãng tin Yonhap dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết hai bên đã "nới rộng" sự thấu hiểu lẫn nhau, song vẫn cần có thêm một vòng đàm phán khác trong tháng Một tới.

[Hàn Quốc, Mỹ bắt đầu vòng đàm phán mới về chia sẻ chi phí quân sự]

Vòng đàm phán này dự kiến diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ.

Giới phân tích trước đó nhận định khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận trước cuối năm nay là rất thấp do vẫn bất đồng về số tiền Seoul đóng góp để duy trì USFK với quân số 28.500 binh sỹ.

Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần.

Theo thỏa thuận này, năm nay, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước.

Qua nhiều vòng đàm phán, Washington vẫn yêu cầu Seoul tăng mức đóng góp lên gần 5 tỷ USD vào năm tới, song Seoul cho rằng con số này không hợp lý.

Nhiều khả năng Mỹ muốn tạo một điều khoản mới trong SMA để buộc Seoul gánh vác các chi phí liên quan đến các cuộc tập trận chung giữa hai đồng minh này và hỗ trợ gia đình các binh sỹ thuộc USFK.

Tuy nhiên, Seoul khẳng định chỉ đàm phán trong khuôn khổ SMA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục