Myanmar và Malaysia hợp tác giải quyết vấn đề người di cư

Myanmar và Malaysia hợp tác giải quyết vấn đề người di cư trong bối cảnh hàng nghìn người từ Bangladesh và người Rohingya ở Myanmar tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn.
Myanmar và Malaysia hợp tác giải quyết vấn đề người di cư ảnh 1Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin (phải) có cuộc gặp với Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Bernama, ngày 21/5, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman đã gặp người đồng cấp Myanmar U Wunna Maung Lwin tại Nay Pyi Taw để thảo luận các biện pháp giải quyết vấn đề người tị nạn di cư bất hợp pháp bằng đường biển.

Nguồn tin trên dẫn lời ông Anifah cho biết, tại cuộc gặp, Bộ trưởng U Wunna nêu rõ Chính phủ Myanmar sẵn sàng hợp tác đầy đủ với Malaysia, nước hiện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng người di cư. Về phần mình, ông Anifah yêu cầu một sự bảo đảm từ Nay Pyi Taw hỗ trợ giải quyết khủng hoảng, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Myanmar trong việc xác định gốc rễ và giải quyết triệt để vấn đề này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Myanmar U Ye Htut cho biết cũng trong ngày 21/5, Tổng thống U Thein Sein đã thảo luận vấn đề người di cư trên biển với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J. Blinken đang có chuyến thăm Nay Pyi Taw.

Ông Blinken cam kết Mỹ cung cấp cứu trợ nhân đạo cho những người này, đồng thời nhấn mạnh Myanmar cần giải quyết gốc rễ làn sóng di cư. Phía Myanmar duy trì quan điểm sẽ cứu trợ những người được xác định là công dân Myanmar và sẽ thu xếp cho họ hồi hương. Bộ trưởng Thông tin U Ye Htut nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước trong khu vực nhằm ngăn chặn nạn buôn người.

Myanmar thông báo nước này sẽ cử một phái đoàn tham dự cuộc họp về vấn đề người di cư tại Bangkok, Thái Lan, vào ngày 29/5 tới. Cuộc họp dự kiến sẽ thu hút ít nhất 18 nước, trong đó có Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Myanmar, và 3 tổ chức quốc tế.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người từ Bangladesh và người Rohingya ở Myanmar tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, trong đó Malaysia, Indonesia, Thái Lan là những điểm đến. Ước tính khoảng 7.000 người đang lênh đênh trên biển trong hoàn cảnh bấp bênh ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngày 20/5, Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan nhóm họp ở thành phố Putrajaya của Malaysia đã nhất trí thực hiện một số biện pháp tạm thời nhằm giải quyết vấn đề trên. Ba nước sẵn sàng giúp đỡ và hợp tác với các bên liên quan, bao gồm trợ giúp nhân đạo đối với những người di cư trái phép, đồng thời khẳng định quết tâm ngăn chặn nạn buôn người.

Ba nước cũng kêu gọi ASEAN đóng vai trò tích cực giải quyết vấn đề một cách kịp thời và có hiệu quả.

Ngày 21/5, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson đã điện đàm với Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh về tình hình hàng nghìn người tị nạn mắc kẹt trên Vịnh Bengal và biển Andaman.

Theo người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq, ông Eliasson khuyến khích tiến hành các chiến dịch tìm kiếm cứu nạn cũng như các nỗ lực nhằm đạt tới giải pháp lâu dài cho vấn đề di cư.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Antonio Guterres, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein, Tổng Giám đốc Tổ chức tị nạn quốc tế William L. Swing và Đặc phái viên Tổng thư ký Liên hợp quốc về Nhập cư và phát triển quốc tế Peter Sutherland đã ra tuyên bố chung hối thúc các nhà lãnh đạo Indonesia, Malaysia và Thái Lan bảo vệ người di cư và tị nạn, cho phép các thuyền chở người tị nạn cập bến an toàn và ưu tiên bảo vệ tính mạng người di cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục