Ngày 6/6, Liên hợp quốc và Myanmar đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) để Liên hợp quốc có thể tiếp cận và tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine và hỗ trợ hồi hương người Rohingya.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết MoU được ký kết giữa Chính phủ Myanmar và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm tạo điều kiện cho người Rohingya hồi hương một cách tự nguyện, an toàn và bền vững.
Hầu hết những người Hồi giáo thiểu số Rohingya tại Myanmar đều chưa có căn cước công dân hay quyền công dân sau khi rời bỏ nhà cửa.
[Myanmar khẳng định sẵn sàng tiếp nhận trở lại toàn bộ người Rohingya]
Theo bản ghi nhớ này, UNHCR sẽ cùng hợp tác với Chính phủ Myanmar triển khai công tác chuẩn bị cho hoạt động hồi hương tự nguyện và tiếp cận đánh giá những vị trí triển khai dự án thí điểm. UNHCR cũng sẽ hợp tác với UNDP để tái thiết và phát triển khu vực tiềm năng.
Cùng với đó, UNDP cũng hợp tác với chính phủ triển khai quy trình tái thiết và phát triển mang lại lợi ích cho các cộng đồng dân cư; đẩy mạnh liên kết xã hội giữa các cộng đồng và hỗ trợ tiếp cận đời sống.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh thỏa thuận mới và đánh giá đây như một bước đi đầu tiên để tìm ra nguyên nhân dẫn tới cuộc xung đột tại Rakhine. Ông cũng khuyến khích Myanmar sớm triển khai thỏa thuận, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt tình hình bạo lực, đảm bảo các nạn nhân được trở lại cuộc sống bình thường và đảm bảo hỗ trợ nhân đạo tới tất cả các khu vực tại bang Rakhine cũng như triển khai những khuyến nghị của Ủy ban Cố vấn về bang Rakhine do cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan sáng lập.
Đại diện Myanmar tại UNHCR Giuseppe De Vincentiis hy vọng Liên hợp quốc có thể bắt đầu tiếp cận sớm nhất có thể đồng thời cho biết giai đoạn đánh giá bước đầu sẽ sớm hoàn tất trong những tháng tới. Tuy nhiên, ông cho biết dựa trên những thông tin hiện tại thì tình hình chưa thực sự khả quan cho việc hồi hương nên việc hồi hương trên diện rộng có thể sẽ không diễn ra trong tương lai gần.
Khoảng 700.000 người đã rời bỏ nhà cửa ở Myanmar để tới Bangladesh sau khi quân đội chính phủ triển khai chiến dịch trấn áp những phần tử nổi dậy tại Rohingya hồi tháng 8/2017.
Myanmar và Bangladesh đã ký thỏa thuận hồi hương người Rohingya và tháng 11/2017 nhưng vì lo ngại tình hình an ninh nên chỉ có một số nhỏ người dân lựa chọn quay trở về. Hiện hai bên vẫn đổ lỗi cho nhau cản trở quá trình thực hiện thỏa thuận này./.