Hàng nghìn người dân tại các vùng duyên hải bang miền Tây Rakhine của Myanmar đã được lệnh sơ tán khẩn cấp trong khi các quan chức nước láng giềng Bangladesh đang chạy đua với thời gian để sơ tán người dân trước khi bão Mocha được dự báo là mạnh nhất tại đây trong hơn một thập kỷ đã quét qua Vịnh Bengal và sẽ đổ bộ vào hai nước trong những giờ tới.
Theo Cơ quan Khí tượng Ấn Độ, bão Mocha có sức gió lên tới 220km/h, tương đương với bão cấp 4. Cơ quan chức năng Myanmar đã nâng cảnh báo lốc xoáy lên mức cao nhất đối với 7 thị trấn ở bang Rakhine khi cơn bão tiến gần hơn.
[Bão Mocha sắp đổ bộ vào Myanmar, 2 triệu người có nguy cơ bị ảnh hưởng]
Cục Khí tượng Myanmar dự báo bão Mocha sẽ đổ bộ vào các thị trấn ở bang Rakhine sáng 14/5 với sức gió lên tới 218km/h và sóng cao gần 2m.
Các chuyên gia dự báo thời tiết cảnh báo Mocha - cơn bão đầu tiên hình thành ở Vịnh Bengal trong năm nay - được dự báo là cơn bão mạnh nhất tấn công Myanmar trong hơn một thập kỷ.
Người phát ngôn của chính quyền bang Rakhine U Hla Thein cho biết người dân đã được yêu cầu di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn gần nhất. Trong khi đó, người dân ở các khu vực đồi núi được yêu cầu đề phòng mưa lớn và sạt lở đất cũng như người dân ở các khu vực ven biển đề phòng triều cường.
Hãng hàng không quốc tế Myanmar Airways đã hủy mọi chuyến bay đến bang Rakhine cho đến ngày 16/5.
Theo Ủy ban Quản lý Thiên tai Quốc gia Myanmar, 57 nơi trú ẩn an toàn đã sẵn sàng tại 17 thị trấn của bang Rakhine. Ủy ban đã triển khai 10 đội và 112 phương tiện chở thực phẩm, nước uống và thiết bị cứu hộ tại bang này, cũng như các khu vực và bang gần nhất để đối phó với tình huống khẩn cấp.
Tại nước láng giềng Bangladesh, các cơ quan chức năng tiếp tục sơ tán người dân khỏi "khu vực rủi ro" đến các trung tâm cộng đồng. Trước đó, giới chức đã phát lệnh sơ tán khẩn cấp gần 1 triệu dân cư các vùng ven biển.
Theo Cục trưởng Cục Khí tượng Bangladesh, ông Azizur Rahman, Mocha là cơn bão mạnh nhất kể từ bão Sidr hồi tháng 11/2007, tấn công bờ biển phía Nam của Bangladesh, cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người và gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Các hoạt động tại Chittagong - cảng biển lớn nhất của Bangladesh - đã bị đình chỉ./.