Hai năm sau khi mở xưởng may ở Myanmar, ông Li Dongliang, một công dân Trung Quốc, đang đứng trước bờ vực phải đóng cửa và sa thải 800 người công nhân còn lại.
Công việc kinh doanh của ông Li, vốn đã gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19, lại càng thêm ảm đạm sau cuộc đảo chính ngày 1/2 tại quốc gia châu Á, khiến tâm lý chống Trung Quốc gia tăng và các đơn đặt hàng bị chững lại.
Gần một thập kỷ cải cách kinh tế
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, câu chuyện của ông Li là minh chứng cho tình trạng nguy hiểm mà lĩnh vực sản xuất hàng may mặc quan trọng của kinh tế Myanmar đang phải đối mặt.
Lĩnh vực này chiếm đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu và sử dụng đến 700.000 người lao động có thu nhập thấp của nước này.
[Nhật Bản đình chỉ viện trợ ODA cho Myanmar vì khủng hoảng chính trị]
"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ thị trường Myanmar nếu không có đơn đặt hàng mới trong vài tháng tới," ông Li cho biết, và nói thêm rằng công ty của ông hiện chỉ hoạt động với khoảng 20% công suất để thực hiện các đơn đặt hàng trước cuộc đảo chính và đã sa thải đến 400 nhân viên.
Ông Li cho hay ông và nhiều đồng nghiệp đang cân nhắc việc dịch chuyển sang những trung tâm sản xuất hàng may mặc giá rẻ khác của châu Á như Trung Quốc, Campuchia..., vì các thương hiệu thời trang lớn như H&M và Primark đã ngừng giao dịch với Myanmar do cuộc đảo chính.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Myanmar, những nhà đầu tư Trung Quốc như ông Li đã đầu tư đến gần 1/3 trong số 600 nhà máy may mặc của Myanmar, cho đến nay được coi là nhóm đầu tư lớn nhất.
Khin May Htway - đối tác quản lý của công ty tư vấn MyanWei Consulting Group, công ty tư vấn cho các nhà đầu tư Trung Quốc tại Myanmar - cho rằng có ít nhất hai nhà máy may mặc do Trung Quốc tài trợ ở Myanmar, sử dụng tổng cộng 3.000 công nhân, đã quyết định đóng cửa.
Chuyên gia này cho rằng hai công ty trên là khách hàng của bà, nhưng từ chối tiết lộ danh tính với lý do quyền riêng tư.
Đầu tư nước ngoài vào hàng may mặc đã tăng mạnh ở Myanmar trong thập kỷ qua khi các lệnh trừng phạt của phương Tây chấm dứt và nước này tiến hành cải cách kinh tế.
Trong bối cảnh đó, các thỏa thuận thương mại đã giúp thiết lập ngành may mặc trở thành biểu tượng lớn nhất cho sự bùng nổ của một trung tâm sản xuất tại nước này.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, các lô hàng may mặc xuất khẩu của Myanmar đã tăng từ ngưỡng dưới 1 tỷ USD vào năm 2011, chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu, lên hơn 6,5 tỷ USD vào năm 2019, tương đương khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu.
Cuộc khủng hoảng "kép" bóp nghẹt ngành may mặc chủ lực
Tuy nhiên, lĩnh vực này đã bị "rung chuyển" bởi sự xuất hiện của đại dịch COVID-19.
Đại dịch này đã khiến thế giới rơi vào suy thoái và nhu cầu tiêu dùng giảm, đồng thời "xóa sổ" hàng chục nghìn công việc tại các nhà máy may mặc ở Myanmar và nhiều nơi khác ở châu Á.
Và sau đó cuộc đảo chính đã xảy ra. Trong những tuần tiếp theo, nhiều công nhân may mặc đã tham gia vào các cuộc biểu tình hoặc không thể đi làm khi nhiều đường phố trở thành bãi chiến trường.
Các chủ sở hữu nhà máy cho biết tình trạng hỗn loạn cũng làm ách tắc hệ thống ngân hàng và gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa trong nước.
Với sự lên án của quốc tế về cuộc đảo chính ngày càng gia tăng, các thương hiệu thời trang châu Âu và Mỹ hồi tháng trước đã ra một tuyên bố thông qua các hiệp hội rằng họ sẽ bảo vệ việc làm và tôn trọng các cam kết ở Myanmar.
Tuy nhiên, nhiều đơn hàng gần đây đã bị tạm dừng, bao gồm nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới H&M của Thụy Điển, Next và Primark của Vương quốc Anh, và Benetton của Italy.
Next cho biết họ sẽ phân phối lại các đơn hàng trước đây đến các quốc gia Bangladesh, Campuchia và Trung Quốc, trong khi Benetton sẽ chủ yếu chuyển hoạt động kinh doanh sang Trung Quốc.
Trong khi đó, H&M và Primark chưa bình luận về việc họ sẽ phân phối lại các đơn hàng như thế nào.
Chuyên gia Peter McAllister của Sáng kiến Thương mại có Đạo đức (Ethical Trade Initiative), một tổ chức bảo vệ quyền lao động có các thành viên bao gồm các thương hiệu đường phố châu Âu, cho biết: "Họ không muốn từ bỏ Myanmar ... nhưng họ đang bị ép buộc."
Theo chuyên gia này, lĩnh vực may mặc của Myanmar sẽ rất khó phục hồi nếu các nhà đầu tư Trung Quốc rời đi.
Tâm lý chống Trung Quốc đã gia tăng kể từ cuộc đảo chính hồi tháng Hai. Trong bối cảnh này, một số nhà máy do Trung Quốc tài trợ, bao gồm cả nhà máy của ông Ly, đã bị đốt cháy bởi những kẻ tấn công không rõ danh tính trong một cuộc biểu tình vào tháng trước.
Các nhóm nhân quyền đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về tình trạng bóc lột trong lĩnh vực may mặc của Myanmar, nơi lao động nữ là chủ yếu chỉ kiếm được ít nhất là 4.800 kyat (3,40 USD) mỗi ngày, mức thấp nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực đã giúp nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo đói, tạo điều kiện để công nhân đã di cư từ các vùng nông thôn đến nhà máy, chủ yếu xung quanh trung tâm thương mại của Yangon và gửi tiền về cho gia đình của họ.
Khin Maung Aye, Giám đốc điều hành nhà máy sản xuất hàng may mặc Lat War với 3.500 lao động, cho biết lĩnh vực này sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ nếu tình hình chính trị tại Myanmar không được cải thiện.
Chuyên gia này cho rằng điều đó sẽ dẫn đến "hậu quả khủng khiếp của tình trạng nghèo đói," đồng thời khẳng định công ty của ông cũng đang tồn tại dựa vào những đơn đặt hàng trước cuộc đảo chính, mặc dù số đơn đặt hàng cho mùa tới, thường sẽ diễn ra vào cuối tháng này, đang dần cạn kiệt.
Trong khi đó Thin Thin, một công nhân may mặc 21 tuổi, cho biết gia đình 5 người của cô đang sống nhờ khoản tiền đền bù hàng tháng trị giá 86.000 kyat (59 USD) mà nhà máy nơi cô làm việc đã phát cho cô khi nhà máy này phải đóng cửa vì cuộc đảo chính.
"Tôi cảm thấy rất căng thẳng ... Chúng tôi không còn gì để cầm đồ. Chúng tôi phải vay từ những người cho vay tiền nặng lãi với lãi suất lên tới 20%/tháng."
Mỹ, quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với quân đội Myanmar, cuối tháng trước đã đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại với nước này và cho biết họ đang xem xét sự phù hợp của quốc gia châu Á đối với chương trình Hệ thống Ưu đãi Chung, được thiết kế để giảm thuế quan và cung cấp nhiều lợi ích thương mại khác cho các nước đang phát triển.
Steve Lamar, Chủ tịch Hiệp hội Giày dép và Quần áo Mỹ đại diện cho hơn 1.000 thương hiệu thời trang, cho biết điều đó có thể "báo trước sự gián đoạn trong tương lai" cho lĩnh vực may mặc của Myanmar.
Trong khi đó, một số công đoàn đại diện cho công nhân ngành may mặc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn để gây sức ép đối với quân đội Myanmar, mặc dù điều này có thể gây tổn hại thêm cho ngành công nghiệp của họ.
Myo Myo Aye, người sáng lập Tổ chức Công đoàn Đoàn kết Myanmar, cho biết thông qua một phiên dịch viên: "Người lao động sẽ gặp khó khăn và nhiều vất vả vì không có việc làm"./.