Nhà chức trách Mỹ đã mở cuộc điều tra về vai trò của một loạt ngân hàng lớn về trong nghi án tham nhũng tại Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).
Một nguồn tin dấu tên tiết lộ với hãng tin AFP của Pháp rằng Văn phòng Bộ Tư pháp Liên bang ở Brooklyn, New York và Cơ quan kiểm soát các dịch vụ tài chính tại New York (DFS) muốn biết một số ngân hàng đóng vai trò thế nào trong những vụ chuyển tiền lớn liên quan đến bê bối tham nhũng trong FIFA, tức là những vụ chuyển tiền vào tài khoản của một số quan chức FIFA qua các ngân hàng có tuân thủ các quy định của luật pháp Mỹ về chống rửa tiền hay không.
Văn phòng Bộ Tư pháp Mỹ đã đề nghị các ngân hàng HSBC Holding và Standard Chartered cung cấp các thông tin liên quan.
Trong khi đó, DFS cũng đã gửi yêu cầu tương tự đến 6 ngân hàng lớn, trong đó có ngân hàng Anh Barclay và Standard Chartered, ngân hàng Crédit Suisse của Thụy Sĩ và ngân hàng Bank Hapoalim của Israel.
Hiện các ngân hàng Barclay, Crédit Suisse và Deutsch Bank từ chối bình luận về các thông tin liên quan.
Theo luật pháp của Mỹ về chống rửa tiền, các ngân hàng phải tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo thường xuyên cho cơ quan chức năng về những vụ chuyển tiền do những người nước ngoài thực hiện. Mục đích để tránh những kẽ hở tạo điều kiện cho những kẻ buôn ma túy, khủng bố có thể tẩy rửa những đồng tiền "bẩn".
Nhà chức trách Mỹ từng buộc ngân hàng JP Morgan Chase và HSBC phải đóng tài khoản ngân hàng của một số nhà ngoại giao hay quan chức nước ngoài bị Mỹ coi là "đối tượng nhạy cảm."
Vụ bê bối tham nhũng ở FIFA bị phanh phui hôm 27/5 vừa qua. Ngay trong ngày hôm đó, các cơ quan chức năng Mỹ đã phát lệnh bắt giữ 14 quan chức FIFA và các đối tác của tổ chức này.
Có khoảng 47 tội danh đã được quy cho 9 quan chức, trong đó có 2 cựu Phó Chủ tịch FIFA và lãnh đạo 5 công ty đối tác. Những người này bị cáo buộc về các hành vi đòi và nhận hối lộ, gian lận và rửa tiền diễn ra trong 25 năm qua.
Theo yêu cầu của Mỹ, Thụy Sĩ đã bắt giữ 7 quan chức FIFA và hiện đã dẫn độ một người trong số này sang Mỹ./.