Mỹ yêu cầu cung cấp thông tin về trái phiếu mới của Argentina

Thẩm phán Tòa án thành phố New York Mỹ Thomas Griesa yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin về đợt trái phiếu mới phát hành của Chính phủ Argentina.
Tổng thống Argentina Cristina Fernandez. (Nguồn: AP)

Thẩm phán Tòa án thành phố New York Mỹ Thomas Griesa ngày 26/2 yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin liên quan đến đợt trái phiếu mới phát hành của Chính phủ Argentina. Ông Griesa chính là thẩm phán đã ra phán quyết buộc Chính phủ Argentina phải trả nợ hai quỹ đầu tư Mỹ trong vụ kiện đòi thanh toán tiền nợ công trái của Buenos Aires.

Tờ "Tin tức Bloomberg" cho biết thẩm phán Griesa đã yêu cầu Deutshe Bank và JPMoran Chase, hai ngân hàng được cho là hỗ trợ Chính phủ Argentina phát hành đợt trái phiếu mới trị giá 2 tỷ USD, cung cấp ngay lập tức thông tin về vấn đề này cho NML Capital, một trong hai quỹ đầu tư được hưởng lợi từ phán quyết của ông Griesa trong vụ tranh chấp nợ với Argentina.

Theo Bloomberg, đợt phát hành trái phiếu mới là nỗ lực của Argentina nhằm huy động vốn để thanh toán 6,3 tỷ USD cho các chủ nợ vào tháng 10 tới. Đợt trái phiếu này sẽ được phát hành riêng theo luật pháp của Argentina, khác với hầu hết các đợt phát hành trước theo luật của châu Âu hoặc của Mỹ.

Động thái này được đánh giá là sẽ giúp Argentina lách được phán quyết của thẩm phán Griesa trước đó cấm Buenos Aires trả nợ cho bất kỳ chủ nợ nước ngoài nào nếu như chưa thanh toán đầy đủ 1,3 tỷ USD cả tiền gốc lẫn lãi cho hai quỹ đầu tư Mỹ là NML Capital và Aurelius Capital Management.

Đây là hai quỹ đầu tư đã từ chối tham gia chương trình tái cơ cấu nợ 100 tỷ USD của Argentina mà trong đó hầu hết các chủ đầu tư đồng ý chỉ nhận 30% giá trị mệnh giá của trái phiếu.

Trước đó, Argentina đã kịch liệt phản đối phán quyết của thẩm phán Griesa, chỉ trích hai quỹ đầu tư của Mỹ là những "quỹ kền kền" tìm cách trục lợi từ khó khăn của quốc gia này.

Vụ tranh chấp nợ đã làm nổi lên vấn đề về quyền lợi và quyền lực của các chủ đầu tư trong các trường hợp tham gia hoặc từ chối các đợt tái cơ cấu nợ, một động thái được cho là cần thiết để giúp tái lập sức mạnh tài chính của các quốc gia vừa trải qua vỡ nợ.

Phán quyết của ông Griesa bị nhiều nhà kinh tế chỉ trích là "quả bom Mỹ ném xuống hệ thống kinh tế toàn cầu," đe dọa làm trì hoãn quá trình cơ cấu nợ và đẩy các quốc gia vốn đang khủng hoảng vì nợ rơi vào cảnh bần cùng.

Hơn 100 nhà kinh tế thế giới, trong đó có nhiều nhân vật đoạt giải Nobel đã gửi thư kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động nhằm tìm ra giải pháp giảm nhẹ tác động tiêu cực gây ra từ phán quyết của tòa án Mỹ./.

(TTXVN/vietnam+)

Tin cùng chuyên mục