Tám ngân hàng lớn nhất nước Mỹ sẽ phải tăng mức dự trữ vốn tối thiểu nhằm tăng cường khả năng đối phó với khủng hoảng tài chính.
Theo thông báo ngày 8/4, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) và Văn phòng Tài chính tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ đã thông qua quy định yêu cầu tám ngân hàng lớn phải tăng mức dự trữ vốn chất lượng cao.
Các ngân hàng này bao gồm Bank of America, The Bank of New York Mellon, Citigroup, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley, State Street và Wells Fargo. Các ngân hàng này sẽ phải tăng quỹ phòng ngừa rủi ro từ mức 3% tổng tài sản của ngân hàng hiện nay lên 5%. Đạt được tiêu chuẩn 5%, các ngân hàng sẽ không phải chịu giới hạn của Fed về cổ tức và các khoản chi trả lương thưởng cho nhân viên.
Quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Fed cho biết quyết định này nhằm giảm bảo đảm các ngân hàng có thể tiếp tục hoạt động ổn định trong trường hợp thị trường xuất hiện khủng hoảng như hồi năm 2008.
Thống đốc Daniel Tarullo, người chịu trách nhiệm điều chỉnh các chính sách của Fed, cho biết phần vốn lớn hơn sẽ đóng vai trò như một "phần hỗ trợ thiết yếu" đối với hệ thống ngân hàng, giúp ngăn chặn khủng hoảng lan rộng ra toàn hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế.
Trước đó không lâu, Fed công bố kết quả sát hạch, theo đó 29/30 ngân hàng lớn tại Mỹ được đánh giá đã trở lại "thể trạng" tốt hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Kết quả sát hạch cho thấy đa số các ngân hàng lớn của Mỹ có khả năng tiếp tục duy trì mức vốn đầy đủ nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Fed tiến hành sát hạch năng lực vượt qua khủng hoảng của các ngân hàng theo định kỳ hàng năm kể từ năm 2009, thời điểm kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trầm trọng kể từ sau cuộc đại suy thoái năm 1930-1933./.