Mỹ với kế hoạch "khuấy động" kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Chính quyền ông Joe Biden đã đề xuất ý tưởng sẽ khởi động "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" vào năm tới. Điều này cho thấy Washington muốn dựa vào ý tưởng này để quay lại vị trí lãnh đạo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong một năm qua và đã đạt được những thành tựu nổi bật trên phương diện chính trị, ngoại giao và thậm chí là quân sự.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, những dấu ấn của Washington vẫn còn khá mờ nhạt và luôn bị hoài nghi.

Có lẽ vì thế mà gần đây, chính quyền ông Joe Biden đã đề xuất ý tưởng sẽ khởi động "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" vào năm tới. Điều này cho thấy Washington muốn dựa vào ý tưởng này để quay trở lại vị trí lãnh đạo.

Trong khi đó, đối với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đây là một động thái đáng chú ý.

Khuấy động Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên các phương diện trừ kinh tế

Từ nửa sau nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump cho đến khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền, Mỹ thường xuyên khuấy động khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong một năm qua, Mỹ đã cùng lãnh đạo Nhật Bản, Australia, Ấn Độ tổ chức hai cuộc Đối thoại An ninh 4 bên (QUAD), cùng Hàn Quốc, Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Phó Tổng thống và Ngọai trưởng Mỹ cũng đã công du các nước trong khu vực, thậm chí thiết lập thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) gây tranh cãi.

[Mục đích cơ cấu kinh tế mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ lại thiếu tiến triển trên lĩnh vực kinh tế-thương mại. Ngay cả khi Trung Quốc liên tục có các động thái như chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế số (DEPA) do Singapore cùng Chile, New Zealand thúc đẩy, thì phản ứng của Mỹ vẫn mơ hồ và không cụ thể.

Tại Hội nghị cấp cao Đông Á vào tháng 10/2021, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ thúc đẩy "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo tiếp tục thuyết trình cụ thể hơn vào tháng 11/2021. Một bản phác thảo chính sách tương đối rõ ràng về phương diện kinh tế của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đã được công bố.

Bố cục mới với các trọng điểm về kinh tế

Tổng hợp quan điểm của ông Joe Biden và bà Gina Raimondo có thể thấy bố cục mới này của Mỹ có một số trọng điểm. Thứ nhất, quay trở lại với CPTPP không còn là lựa chọn của Mỹ. Thời gian tới, Mỹ sẽ lấy khung kinh tế châu Á-Thái Bình Dương làm trục.

Thứ hai, Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu khởi động vào tháng 2 năm sau và "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" sẽ không chỉ có đối thoại mà sẽ được thể hiện bằng hình thức "hiệp định."

Thứ ba, "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" không phải là hiệp định kinh tế-thương mại truyền thống, mà sẽ chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế-thương mại mang tính khu vực mới nổi như sức bền của chuỗi cung ứng.

Một hiệp định đầy sáng tạo như vậy liệu có thể làm chỗ dựa để Mỹ quay lại vị trí dẫn dắt hay không vẫn phải chờ quan sát. Tuy nhiên, điều có thể dự đoán là Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận về vấn đề kinh tế-thương mại một cách có tổ chức và phương hướng hơn.

Hơn nữa, những vấn đề và giải pháp thảo luận có thể sẽ thoát khỏi những lĩnh vực đã quen thuộc và chuẩn bị sẵn sàng như thuế quan, tự do hóa đầu tư và quy tắc thương mại…, để từ đó bước vào một mô hình mới.

Chẳng hạn, ông Joe Biden đề cập đến việc "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" sẽ xử lý vấn đề thuận lợi hóa thương mại. Một hiệp định thuận lợi hóa thương mại phi truyền thống có thể thông qua cơ chế mang tính khu vực để giải quyết những nút thắt ngắn hạn và các vấn đề kết cấu dài hạn của sự hỗn loạn logistic toàn cầu hiện nay.

Ví dụ khác, vấn đề sức bền của chuỗi cung ứng những năm gần đây đã trở thành chương trình đối thoại ưu tiên của Mỹ đối với vùng lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản và các khu vực khác, nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu vấn đề này được đưa vào phạm vi "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Tuy nhiên, cho dù là sự hỗn loạn logistic hay sức bền chuỗi cung ứng, khi chẩn đoán vấn đề cần phải dựa trên cơ sở thu thập và trao đổi thông tin để nắm bắt cụ thể các nút thắt, nghiên cứu và thương lượng phương thức xử lý khả thi.

Ví dụ, tình trạng TSMC của Đài Loan bị yêu cầu "tự nguyện" cung cấp thông tin năng lực sản xuất có thể sẽ trở thành cơ chế bình thường, mang tính thể chế trong "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Dù vậy, việc giải quyết vấn đề hỗn loạn logistic hiển nhiên có lợi cho Đài Loan, và việc nâng cao sức bền của chuỗi cung cũng sẽ giúp duy trì sự tham gia của Đài Loan. Dù vậy, Đài Loan cũng cần phải có sự chuẩn bị đối với những ảnh hưởng và phản ứng của những cơ chế mới chưa quen thuộc trong quá trình này.

Chẳng hạn trong lĩnh vực kinh tế số, trọng điểm của "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" dường như không còn là quy tắc thương mại số mà sẽ liên quan đến việc ban hành các tiêu chuẩn quốc tế như luân chuyển dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ dữ liệu, kết nối nền tảng và công nghệ mã hóa… Tiêu chuẩn hóa là nền tảng quan trọng của quy tắc kinh tế-thương mại số, đồng thời cũng là lĩnh vực chưa phát triển mạnh hiện nay của quốc tế. Trước đây, Đài Loan ít tham gia vào khía cạnh tiêu chuẩn hóa, nên vùng lãnh thổ này cũng cần có sự chuẩn bị trước.

Xét về tính chất, "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và CPTPP không xung đột, thậm chí có tính bổ sung lẫn nhau. Tuy nhiên, đối với các khía cạnh như sức bền chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn hóa thương mại kỹ thuật số…, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc bước vào quan hệ cạnh tranh chiến lược, "Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: do Mỹ dẫn dắt có thể hình thành trạng thái cạnh tranh với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và CPTPP không có sự tham gia của Mỹ.

Hiện nay, Đài Loan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP, do đó đối với tầm quan trọng của khung Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đài Loan cần tham gia tích cực hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục