"Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế trong vụ Snowden"

Giới tư pháp cho rằng việc Mỹ gây áp lực đối với các nước có ý định chấp nhận đơn tỵ nạn của Snowden là vi phạm luật pháp quốc tế.
Các chuyên gia pháp lý ngày 8/7 cho rằng chiến dịch của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama dùng các biện pháp dọa nạt, gây áp lực đối với các nước có ý định chấp nhận đơn tỵ nạn chính trị của cựu nhân viên tình báo  Edward Snowden, người đang bị Mỹ truy nã về tội tiết lộ bí mật quốc gia, là một hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Michael Bocheneck, Giám đốc phụ trách chính sách và luật pháp thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), cho rằng chính những hành động của chính quyền Obama trong vụ Snowden đã khiến vụ việc này ngày càng nghiêm trọng, không chỉ bó hẹp là vấn đề của riêng Mỹ với từng nước mà trở thành một vấn đề mang tính quốc tế.

Ông Bocheneck nêu rõ việc Mỹ hối thúc các đồng minh châu Âu ngăn chặn và đóng cửa không phận đối với chuyên cơ của Tổng thống Bolivia Evo Morales vì tình nghi trên máy bay có Snowden, các phát biểu mang tính đe dọa của giới chức chóp bu Mỹ đối với Trung Quốc và Nga, lời đe dọa cắt quan hệ buôn bán thương mại và cú điện thoại của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị Tổng thống Ecuador Rafael Correa không cho ông Snowden tỵ nạn... đều là những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Phát biểu với báo giới tại Buenos Aires, Argentina, ông Bocheneck cho rằng hành động can thiệp của chính quyền Obama là bằng chứng rõ ràng cho thấy Snowden có nguy cơ cao sẽ bị ngược đãi nếu bị dẫn độ về Mỹ, do vậy cần phải được bảo vệ theo luật pháp quốc tế và các nước không nên dẫn độ một cá nhân có nguy cơ bị ngược đãi trở về nước.

Cùng ngày, Snowden đã cho đăng tải một tuyên bố trên trang mạng của Wikileaks nói rằng quyền "tự do và an toàn" của bản thân đang bị đe dọa do đã nói lên sự thật. Nhân vật này khẳng định sẽ gặp nguy hiểm nếu bị buộc phải trở lại Mỹ.

Snowden cáo buộc chính quyền Obama đang sử dụng quyền công dân như một vũ khí chính trị, một công cụ can thiệp để ép các quốc gia từ chối đơn xin tỵ nạn.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 8/7, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro xác nhận nước này đã nhận được đơn xin tỵ nạn chính trị của Snowden, đồng thời kêu gọi người này nên sớm ấn định thời gian khởi hành nếu quyết định chọn Venezuela làm điểm đến an toàn.

Edward Snowden, 30 tuổi, nhiều tuần qua tạm sinh sống trong khu quá cảnh ở sân bay Sheremetyevo tại thủ đô Mátxcơva của Nga.

Wikileaks, tổ chức nhận trách nhiệm bảo vệ pháp lý cho Snowden, cho biết cho tới nay cựu nhân viên CIA này đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị tại 27 nước, trong đó có 6 nước Mỹ Latinh. Ba quốc gia đã chấp nhận đơn xin tỵ nạn của ông Snowden là Nicaragua, Venezuela và Bolivia./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục