Mỹ vẫn tham dự hội nghị về thúc đẩy thực thi Hiệp định Paris

Mỹ vẫn cử đại diện tham dự hội nghị đặc biệt nhằm thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Paris, mặc dù Nhà Trắng trước đó đã ra tuyên bố tái khẳng định lập trường của Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận này.
Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna (giữa) phát biểu khai mạc hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/9, các bộ trưởng môi trường đến từ khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã nhóm họp tại thành phố Montreal​ của Canada để tham dự một hội nghị đặc biệt nhằm thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Mỹ vẫn cử đại diện tham dự sự kiện này, mặc dù Nhà Trắng trước đó đã ra tuyên bố tái khẳng định lập trường của Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu lịch sử này.

Với sự thúc đẩy của Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), hội nghị lần này diễn ra vào đúng thời điểm cách đây 30 năm Nghị định thư Montreal đã được ký kết nhằm bảo vệ tầng ozone.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna đã ca ngợi việc ký kết Nghị định thư Montreal như một "câu chuyện thành công" nhiều mặt nhờ những nỗ lực chung của các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và người dân trong việc đối phó với mối đe dọa lớn mang tính toàn cầu này.

Do đó, bà nhấn mạnh thế giới vẫn còn cơ hội để thực thi việc bảo vệ môi trường thậm chí hơn nữa với Hiệp định Paris.

[Ông Trump liệu có thừa nhận liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bão lụt?]

Viện dẫn sự tàn phá khủng khiếp của các siêu bão như Harvey và Irma - vốn được các nhà khoa học nhận định là hậu quả của tình trạng ấm lên toàn cầu - tại Mỹ và các nước vùng Caribe, Bộ trưởng McKenna nêu rõ: "Những thay đổi là có thật, những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội và nguy hiểm hơn."

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP23) tại thành phố Bonn của Đức vào tháng 11 tới, Hội nghị Montreal được xem là cơ hội để bộ trưởng các nước nỗ lực thu hẹp bất đồng và khác biệt nhằm hướng đến việc thực thi Hiệp định Paris vốn đang gặp thách thức sau khi Mỹ tuyên bố rút lui.

Trước thềm hội nghị này, nhiều cường quốc đã có một số quyết định đột phá trong nỗ lực chuyển đổi sang kinh tế không sử dụng năng lượng hóa thạch.

Sau Pháp và Anh, đến lượt Trung Quốc - thị trường ôtô lớn nhất thế giới - đã lên kế hoạch chấm dứt việc mua bán và sản xuất các loại ôtô chạy bằng xăng dầu và dầu diesel trong vài thập kỷ tới.

Trong khi đó, EU - với mục tiêu cắt giảm 40% khí thải carbon vào năm 2030 - cũng sẽ thúc đẩy một thỏa thuận giữa các nước thành viên về việc giảm khí thải trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Về phần mình, Canada - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 6 thế giới - cũng khẳng định cam kết nghiêm túc thực thi các tiêu chuẩn môi trường quốc tế thông qua việc tăng cường đầu tư cho các công nghệ "năng lượng sạch."

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được EU và 194 nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 11/2016, với những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi hiệp định này vì cho rằng hiệp định trên không có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế Mỹ, làm cho nhiều người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ và khiến cho nước này rơi vào thế bất lợi.

Ông Trump đã bị nhiều nước lên án mạnh mẽ về quyết định trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục