Hơn 25% tổng số thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong ngành nông nghiệp Mỹ đã bị cấm tại Liên minh châu Âu (EU), trong khi từ 2-3% số sản phẩm này cũng bị cấm tại thị trường Trung Quốc và Brazil.
Đây là kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Environmental Health ngày 6/6.
Sau khi nghiên cứu nhiều loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và thuốc diệt nấm, các nhà khoa học phát hiện 374 thành phần hoạt tính được cấp phép sử dụng tại Mỹ năm 2016 và 72 trong số đó đã bị cấm sử dụng tại EU.
[Tòa án Mỹ kết luận thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto gây ung thư]
Đặc biệt, nhà chức trách EU, Brazil và Trung Quốc đã cấm sử dụng hai sản phẩm, trong đó có loại thuốc diệt cỏ mạnh - một loại thuốc mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) xếp vào loại “cực độc.”
Loại còn lại là thuốc trừ sâu phorate gây độc cho thần kinh hiện vẫn được sử dụng tại Mỹ mặc dù bang New York vừa ra lệnh cấm phun loại thuốc này.
Trong khi đó, Mỹ chỉ cấm hai hoặc ba loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại EU, Brazil và Trung Quốc.
Ông Nathan Donley - tác giả nghiên cứu và là nhà khoa học tại Trung tâm phi lợi nhuận về Đa dạng sinh học, cho biết Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ được thành lập năm 1970, từng hoạt động rất hiệu quả và cấm nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật như DDT.
Ông Donley cho rằng vấn đề nằm ở bộ phận quản lý thuốc bảo vệ thực vật của EPA, đồng thời chỉ trích ngành nông nghiệp và các nhóm vận động ủng hộ thuốc bảo vệ thực vật đã tác động mạnh đến Quốc hội Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến quyết định ngân sách cho EPA./.