Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 30/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 128,22 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2,80 triệu ca tử vong.
Số bệnh nhân phục hồi là 103,43 triệu người. Số ca mắc cần điều trị tích cực là 94.637 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 438.951 ca nhiễm mới, trong đó Mỹ có số ca nhiễm mới cao nhất, với 56.540 ca, tiếp sau là Ấn Độ: 56.119 ca, Brazil: 42.666 ca, Thổ Nhĩ Kỳ: 32.404 ca.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ, 95% trong tổng số 11.000 ca dương tính với các biến thể mới của SARS-CoV-2 được xác định nhiễm biến thể B.1.1.7 tại Anh.
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ số ca nhiễm mới tăng vọt tại Mỹ trong bối cảnh đã ghi nhận tổng cộng 5 biến thể mới của SARS-CoV-2 lây lan trong nước, bao gồm biến thể tại Anh, Nam Phi, Brazil và hai biến thể lần đầu tiên được phát hiện tại bang California.
[Tổng thống Mỹ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 kéo dài]
Hiện CDC Mỹ đang theo dõi sát sao biến thể mới này, đồng thời khuyến cáo người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội.
Mặc dù số ca nhiễm mới COVID-19, số ca tử vong và nhập viện nhìn chung đã giảm trong nhiều tuần qua, nhưng Mỹ đang lại bắt đầu chứng kiến xu hướng số ca nhiễm mới tăng trở lại tại 27 bang.
Theo CDC Mỹ, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua tại nước này là 61.000 ca/ngày, tăng 10% so với tuần trước đó.
Tại châu Âu, dịch bệnh tiếp tục lây lan. Trong 24 giờ qua, Ba Lan là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất, 16.965 ca, tiếp sau là Italy (12.916 ca), Đức (10.055 ca), Pháp (9.094), Ukraine (8.346 ca).
Đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở khu vực Nam Mỹ với những làn sóng dịch mới khiến số ca nhiễm theo ngày liên tục được ghi nhận những con số kỷ lục mới bất chấp những biện pháp đối phó tăng cường của nhiều nước.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, sự lây lan chóng mặt của biến thể mới của COVID-19 được phát hiện ở bang Manaos thuộc vùng Amazona của Brazil không chỉ khiến cho hệ thống bệnh viện của nước này quá tải, số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao kỷ lục, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều nước láng giềng.
Trong bối cảnh đó, Bolivia và Argentina đã buộc phải đưa ra những biện pháp đối phó mới, trong khi Chile và Paraguay đã áp đặt trở lại lệnh phong tỏa bắt buộc.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh chóng, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo khu vực Mỹ Latinh đang ở thời điểm hết sức nghiêm trọng khi biến thể của COVID-19 phát hiện tại Brazil đang lây lan rộng ra nhiều nước láng giềng và có thể khiến cho hệ thống bệnh viện tại nhiều nước sụp đổ.
PAHO kêu gọi chính phủ các nước cần phải đưa ra những biện pháp phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt hơn, cũng như đẩy nhanh các chương trình tiêm vaccine để có thể kiểm soát tình hình một cách hiệu quả hơn.
Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại đã lên tới 4,22 triệu ca, sau khi ghi nhận thêm 9.683 ca trong 24 giờ qua.
Ethiopia hiện đang là điểm nóng của dịch bệnh tại châu lục này, với số ca nhiễm mới là 1.982, cao nhất châu lục trong 24 giờ qua.
Với thỏa thuận vừa đạt được với hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson, theo đó, Liên minh châu Phi sẽ được tiếp nhận 400 triệu liều vaccine của hãng trong quý 3/2021, cùng với số vaccine được tiếp nhận trong COVAX - chương trình phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, châu Phi sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 750 triệu người, tương ứng 60% dân số của châu lục.
Trước tình hình này, ngày 29/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ gây ra một loạt cuộc khủng hoảng dây chuyền như nợ công, giáo dục, bất bình đẳng giữa các nước và ngay trong các nước.
Bà kêu gọi đầu tư và hành động ở cấp độ toàn cầu để ứng phó với các cuộc khủng khoảng này, đồng thời yêu cầu các nước tập trung thực hiện hai nhiệm vụ song song: phòng chống dịch bệnh và đảm bảo phục hồi kinh tế Xanh, lấy các mục tiêu phát triển bền vững làm trọng tâm./.