Mỹ: Vấn đề lợi ích và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Mỹ: Vấn đề lợi ích và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Mỹ: Vấn đề lợi ích và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ảnh 1Edward Snowden khiến mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh sứt mẻ. (Nguồn: AFP)

Nước Mỹ dường như đang ở “tâm bão ngoại giao” khi chương trình do thám trên phạm vi toàn cầu của các cơ quan an ninh nước này lần lượt bị phơi bày ra ánh sáng. Giới quan sát đặt câu hỏi liệu những tiết lộ động trời đó có định hình lại quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới hay không, đặc biệt là với các đồng minh truyền thống ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Theo những tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ, chương trình do thám của Mỹ không có ngoại lệ. Tất cả các quốc gia Mỹ Latinh và 35 nhà lãnh đạo trên thế giới đã bị hệ thống tình báo Mỹ giám sát. Phản ứng tức giận của các quốc gia vốn là đồng minh của Mỹ là điều dễ hiểu. Từ châu Mỹ đến châu Âu, hàng loạt quốc gia đồng loạt yêu cầu Mỹ có lời giải thích thỏa đáng. Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha đều triệu Đại sứ Mỹ đến để yêu cầu làm rõ các cáo buộc trên.

Những hệ lụy của vụ bê bối này chắc chắn sẽ tác động ít nhiều tới mối quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương, song sẽ là thổi phồng nếu nhận định rằng các mối quan hệ đó sẽ được định hình lại.

Sở dĩ nói vậy là vì không riêng gì nước Mỹ thực hiện những chương trình do thám và núp dưới danh nghĩa “đảm bảo an ninh quốc gia". Theo Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper, Mỹ tiến hành hoạt động thu thập tin tức theo phương thức mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều áp dụng để bảo vệ đất nước, lợi ích quốc gia và các đồng minh khỏi các mối đe dọa như khủng bố hay phổ biến vũ khí hủy diệt lớn. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cũng chỉ ra rằng tất cả các quốc gia đều thực hiện các hành vi do thám nước ngoài và mức độ, phạm vi thu thập thông tin tình báo của Mỹ cũng tương tự các quốc gia khác.

Sự tự tin của Mỹ không phải không có cơ sở. Nhiều nước khác cũng đang âm thầm tiến hành những chương trình do thám tương tự. Thông tin mới nhất trên tờ The Guardian của Anh số ra ngày 2/11 cho biết các cơ quan tình báo Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển cũng đang hợp tác với Anh tiến hành các chương trình do thám trực tuyến và điện thoại quy mô lớn.

Theo báo trên, Cơ quan tình báo thông tin của Vương quốc Anh (GCHQ) - vốn có mối quan hệ thân cận với NSA - nắm giữ vai trò lãnh đạo trong việc hỗ trợ các nước khác "lách" các đạo luật hạn chế do thám. Các cơ quan tình báo tham gia chương trình này đều "có chân" trong một liên minh "lỏng lẻo nhưng đang dần lớn mạnh" và họ đã tiến hành do thám bằng cách truy cập trực tiếp vào hệ thống cáp quang hay thông qua các mối quan hệ bí mật với nhiều công ty viễn thông.

Điều đáng nói là chính những lợi ích đan xen, chồng chéo giữa các nước cũng khiến mức độ ảnh hưởng của vụ việc trên đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương nằm trong giới hạn. Những phản ứng ngoại giao khi vụ việc vỡ lở là hành động tối thiểu, trong khi trên thực tế các nước chưa có biện pháp mạnh mẽ nào ngoài những cuộc điện đàm và những tuyên bố cảnh báo. Vì vậy, khi được hỏi liệu nước Pháp sẽ làm gì để trả đũa hành động của NSA, Paris tuyên bố không cần thiết phải làm căng thẳng leo thang bởi Pháp cần có quan hệ tôn trọng giữa các đối tác và các đồng minh, đồng thời tin tưởng rằng tuy quan hệ Paris – Washington bị ảnh hưởng nhưng sau tất cả, Pháp và Mỹ vẫn có quan hệ rất gần gũi và riêng biệt.

Đức dường như cũng có phần hạ giọng khi cho biết hai bên đang chuẩn bị ký thỏa thuận song phương về việc không do thám lẫn nhau. Tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung (FAS) của Đức số ra ngày 3/11 cho biết phái đoàn các quan chức Văn phòng Thủ tướng và tình báo Đức đã đạt được thỏa thuận trên tại cuộc gặp các đại diện Mỹ ở Nhà Trắng. Thời hạn dự kiến hoàn tất thỏa thuận là vào đầu năm 2014.

Những diễn biến trên cho thấy các bên liên quan đều đang tìm cách xoa dịu vấn đề sau những phản ứng ngoại giao gay gắt. Sự hợp tác và ràng buộc lợi ích trong quan hệ song phương và đa phương đòi hỏi các nước phải nương nhẹ cho nhau. Những phản ứng của Mỹ sau đó cũng cho thấy sự tự tin của Washington trong vấn đề này. Tổng thống Obama không vội vàng bao biện cho Mỹ. Dưới sức ép của dư luận châu Âu, ông chủ Nhà Trắng chỉ nói chấp nhận thành lập hai nhóm làm việc gồm một ở cấp độ châu Âu để thảo luận vấn đề đời tư của công dân và Internet và một ở cấp độ cơ quan tình báo các nước thành viên để thảo luận về hoạt động gián điệp.

Vụ bê bối nghe lén cũng phản ánh một thực tế là nước Mỹ còn thiếu sự tin tưởng đối với các đồng minh. Những tiết lộ của Snowden không phải là quá mới mẻ trong một thế giới bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, song nó cho thấy một góc khuất trong hoạt động ngầm của các cơ quan an ninh Mỹ và sự thiếu tin tưởng của chính giới Washington đối với các đồng minh truyền thống. Điều đó chứng minh cho quan điểm rằng trong quan hệ hợp tác quốc tế, không có khái niệm “bạn bè vĩnh viễn” hay “kẻ thù vĩnh viễn” mà chỉ có khái niệm “lợi ích quốc gia vĩnh viễn”. Mặc dù vậy, nước Mỹ cần xem xét lại các chính sách do thám của mình bởi không loại trừ khả năng Washington sẽ rơi vào tình thế “gậy ông đập lưng ông” khi bị các đối tác thăm dò ngược lại./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục