Ngày 11/1, hãng tin Mỹ AP dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết vẫn chưa có binh sỹ Mỹ nào được rút khỏi Syria, song một số hàng hóa quân sự đã được đưa ra khỏi quốc gia Trung Đông này.
Quan chức giấu tên cho hay, động thái rút khí tài là một phần của những gì quân đội gọi là khởi đầu tiến trình rút quân thận trọng khỏi Syria, nơi có khoảng 2.000 binh sỹ đang phối hợp cùng liên quân người Kurd và các tay súng Arab nhằm đánh bại tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Quan chức quốc phòng Mỹ không cung cấp bất kỳ con số nào, song nói rằng việc rút khí tài đang diễn ra và một số lượng không xác định binh sỹ Mỹ đã được bổ sung tới Syria để trợ giúp tiến trình rút quân. Trong số này bao gồm cả binh sỹ để đảm bảo tăng cường an ninh.
[Nga: Mỹ muốn ở lại Syria bất chấp thông báo rút quân]
Trước đó, cùng ngày, người phát ngôn liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Syria, Đại tá Sean Ryan, thông báo liên quân đã bắt đầu tiến hành rút lính khỏi quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, người phát ngôn này nêu rõ không cho biết cụ thể thời gian và địa điểm rút quân để đảm bảo an ninh.
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết liên quân đã bắt đầu giảm dần sự hiện diện tại căn cứ quân sự Rmeilan ở tỉnh Hasakeh, miền Đông Bắc Syria. Đại diện SOHR đánh giá đây là lần giảm lực lượng đầu tiên của các lực lượng Mỹ kể từ tháng trước khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút quân hoàn toàn khỏi Syria.
Cuối tháng 12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo quyết định rút quân Mỹ (khoảng 2.000 binh sỹ) khỏi Syria sau 4 năm tham gia chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố IS tại đây.
Quyết định này vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sỹ Mỹ, trong đó có các nghị sỹ đảng Cộng hòa, quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh của Washington.
Hầu hết các ý kiến chỉ trích cho rằng việc rút quân có thể tác động đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường.
Bên cạnh đó, quyết định này còn khiến số phận của liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab, trong đó lực lượng người Kurd chiếm đa số, còn gọi là Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) vốn được Mỹ ủng hộ tham gia cuộc chiến chống IS, rơi vào tình cảnh không chắc chắn./.