Chính phủ Mỹ ngày 8/12 thông báo sẽ cử phái đoàn quan chức thương mại và năng lượng đến Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ cho biết Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker và Bộ trưởng Năng lượng Earnest Moniz sẽ dẫn đầu một phái đoàn phát triển kinh doanh đến Trung Quốc vào tháng 4/2015 nhằm giúp các doanh nghiệp Mỹ mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Theo đó, phái đoàn này sẽ gồm 25 ủy viên ban quản trị của các công ty hàng đầu tại Mỹ tập trung tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh trong các lĩnh vực như xây dựng các cao ốc xanh, việc thu giữ và sử dụng carbon, công nghệ thúc đẩy hiệu quả năng lượng, công nghệ không khí và nước sạch, công nghệ xử lý rác thải và thúc đẩy giao thông xanh.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Pritzker cho rằng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhu cầu năng lượng lớn trong bối cảnh quá trình đô thị hóa tại quốc gia này đang ngày càng tăng nhanh.
Do đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Mỹ có thể mở rộng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng sạch và xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả, qua đó giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Cùng chung quan điểm trên, Bộ trưởng Moniz nhấn mạnh kế hoạch này không chỉ giúp các công ty năng lượng Mỹ có cơ hội phát triển kinh doanh tại Trung Quốc mà còn hỗ trợ cường quốc châu Á này triển khai các dự án "Thành phố thông minh" cũng như các công nghệ năng lượng sạch, qua đó thúc đẩy hợp tác song phương nhằm hướng đến một nền kinh tế ít carbon.
Kế hoạch này là một phần trong các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng sạch nhằm đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung Quốc được ký ngày 12/11 vừa qua tại Bắc Kinh.
Thỏa thuận này được đánh giá là văn kiện đánh dấu sự đột phá trong hợp tác chống biến đổi khí hậu giữa hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới, có thể tạo ra bước ngoặt tích cực cho tiến trình đàm phán quốc tế về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, Trung Quốc cam kết sẽ cắt giảm khoảng 20% lượng khí thải sau khi lên tới mức cao nhất vào năm 2030 và Mỹ tới năm 2025 cũng sẽ cắt giảm khoảng 26-28% so với mức của năm 2005.
Trung Quốc và Mỹ là hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế gới, lần lượt chiếm 25% và 15% tổng lượng khí phát thải toàn cầu.
Việc hai nước ký thỏa thuận khí hậu sau nhiều năm kiên quyết không tham gia Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải toàn cầu được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích tích cực cho vòng đàm phán ở Paris, đặc biệt khi Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng trước cũng đã cam kết đến năm 2020 sẽ giảm 40% lượng khí thải so với mức của năm 1990./.