Mỹ và Trung Quốc khó tránh khỏi đối đầu tại Trung Đông

Bắc Kinh có thể không can dự sâu vào khía cạnh an ninh tại khu vực Trung Đông, song trong dài hạn sự cạnh tranh và đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực này là khó tránh khỏi.
Binh sỹ Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật ở căn cứ quân sự tại Djibouti. (Nguồn: google)

Mạng tin JNS vừa có bài phân tích về vai trò đang thay đổi của Trung Quốc tại khu vực Trung Đông, trong đó lưu ý rằng Bắc Kinh có thể không can dự sâu vào khía cạnh an ninh tại khu vực này, song trong dài hạn sự cạnh tranh và đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tại Trung Đông là khó tránh khỏi. Nội dung bài viết như sau:

Cho đến nay, hầu hết sự hợp tác của Trung Quốc với các nước Trung Đông tập trung vào quan hệ năng lượng và kinh tế, song mọi chuyện đang dần thay đổi.

Những diễn biến gần đây cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường quan hệ với các nước Trung Đông cả trên các lĩnh vực như quốc phòng và văn hóa. Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 15 quốc gia Trung Đông, trong đó đáng chú ý nhất là Saudi Arabia. Vương quốc này hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Tây Á, trong khi Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Riyadh.

Saudi Arabia không phải là một trường hợp cá biệt. Trên thực tế, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Hơn 200.000 công dân Trung Quốc hiện đang cư trú tại UAE, và cảng Dubai là một trung tâm vận chuyển và hậu cần toàn cầu quan trọng đối với hàng hóa Trung Quốc.

UAE và Saudi Arabia gần đây đã lên tiếng về dự định đưa các nghiên cứu bằng tiếng Trung vào chương trình giáo dục quốc gia của họ.

Đáng chú ý, cả hai quốc gia này, cũng như một số nước khác ở Trung Đông, không hề chỉ trích Trung Quốc về những cuộc đàn áp được cho là nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trong thập kỷ qua, sự quan tâm của Trung Quốc dần mở rộng ra các tuyến hàng hải như Biển Đỏ, Kênh đào Suez và Eo biển Bab el-Mandeb.

Việc tăng cường ảnh hưởng trong và xung quanh các “điểm nút địa lý” đối với thương mại và vận chuyển dầu khí toàn cầu đã trở thành mấu chốt trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ở phía Tây lục địa Á-Âu.

Không có gì ngạc nhiên khi Ai Cập nằm trong chương trình nghị sự đầu tư của Trung Quốc. Hàng tỷ USD vốn đầu tư đã được Bắc Kinh đổ vào Ai Cập. Trung Quốc đang giúp Ai Cập xây dựng thủ đô hành chính mới trên sa mạc bên ngoài Cairo, cũng như một cảng bên bờ Biển Đỏ và khu công nghiệp ở Ain Sukhna.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã có 6 chuyến công du Bắc Kinh kể từ năm 2014, so với chỉ 2 chuyến thăm tới Mỹ, vốn là đối tác an ninh truyền thống của Cairo.

Mối liên hệ ngày càng khăng khít giữa các quốc gia Trung Đông và Trung Quốc là một vấn đề nhạy cảm đối với phương Tây. Vị thế quốc tế đang gia tăng của Mỹ đã buộc Washington phải giảm bớt một số trách nhiệm của mình tại khu vực Á-Âu, và điều này đã khiến các nước nhỏ phải xem xét lại mối quan hệ của họ với Mỹ, đồng thời cân nhắc về vị thế đang lên của Trung Quốc.

Một đối tác Trung Đông nổi bật khác của Trung Quốc là Iran. Tehran mong muốn thiết lập mối quan hệ với các cường quốc toàn cầu để cân bằng những sức ép từ Mỹ. Quan hệ đối tác ngày càng tăng của Tehran và Moskva phù hợp với mô hình này, tương tự như sự gần gũi ngày càng lớn với Bắc Kinh.

Iran có thể chứng minh mình quan trọng đối với Trung Quốc hơn nhiều so với các quốc gia Trung Đông khác. Sự cô lập ngày càng tăng của Tehran với phương Tây có thể sẽ tiếp tục trong những năm tới và điều này sẽ thúc đẩy nước Cộng hòa Hồi giáo hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với Trung Quốc.

Quân đội Iran và các đồng minh của Tehran đang mở rộng ảnh hưởng ở nhiều quốc gia quanh khu vực Trung Đông, trong khi hải quân Iran cũng đang tích cực hoạt động ở Vịnh Persian và Eo biển Hormuz. Ngoài ra, vị trí quan trọng của Iran có thể cho phép Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc mở rộng ra khắp khu vực, cả trên đất liền hay trên biển.

Một điểm đáng chú ý khác là Trung Quốc đã công khai bác bỏ mọi ý kiến cho rằng họ đang tìm kiếm sự thống trị về quân sự hoặc an ninh ở Trung Đông.

Bắc Kinh hiểu rằng họ vẫn thiếu kiến thức, mạng lưới liên hệ và cơ sở cần thiết ở Trung Đông nếu so sánh với phương Tây để có thể theo đuổi các mục tiêu địa-chính trị của mình trong một khu vực vốn luôn được coi là đầy rắc rối này. Mặc dù vậy, phương Tây thường coi rằng Trung Quốc thực tế đang tìm kiếm sự thống trị ở khu vực Á-Âu. Rốt cuộc, vì sao Trung Quốc muốn chi hàng tỷ USD và đồn trú hàng trăm binh sỹ ở Trung Đông hoặc các nơi khác ở lục địa Á-Âu?

[Các nghị sỹ Mỹ cảnh báo hậu quả nếu Trung Quốc kiểm soát cảng Djibouti]

Bản thân trong nội bộ Trung Quốc đã xuất hiện những tranh luận về việc liệu lợi ích kinh tế của Bắc Kinh ở Trung Đông có thể khiến nước này trở thành một thế lực quân sự và an ninh lớn hơn trong khu vực hay không. Trên thực tế, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy khả năng này.

Bắc Kinh gần đây đã tuyên bố ý định tham gia các sáng kiến an ninh và chống cướp biển ở Vịnh Persian sau các sự cố với tàu chở dầu trong khu vực. Với việc Mỹ giảm dần sự hiện diện nói chung ở khu vực Á-Âu, Trung Quốc sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống địa chính trị này.

Bên cạnh đó, có khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện ở phía Tây lục địa Á-Âu.

Những bước đi cụ thể đã được thực hiện: Bắc Kinh đã mở một căn cứ ở Djibouti và thiết lập các cơ sở quân sự ở biên giới Afghanistan và tại Tajikistan.

Một khi Trung Quốc phát triển vị thế trong khu vực, họ sẽ cần các đối tác để quản lý xung đột giữa các quốc gia. Nga có thể là một lựa chọn khả dĩ, song Moskva cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, sẽ không quan tâm đến việc chia sẻ các vị trí quân sự và an ninh của mình ở Trung Đông, trong bối cảnh họ cũng đang tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Toàn cảnh Trại Lemmonier của Mỹ ở Djibouti. (Nguồn: google)

Nhìn chung, có thể lập luận rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục cẩn trọng để không can dự quá sâu vào khu vực. Nga và Mỹ vẫn sẽ giữ vai trò lớn nhất về an ninh tại Trung Đông. Điều quan trọng nhất đối với Bắc Kinh là tính đa cực và họ sẽ theo đuổi nguyên tắc đó một cách triệt để.

Trong tương lai, Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn hơn để vượt lên trong cuộc cạnh tranh ở Trung Đông. Bắc Kinh sẽ phải trở nên nhạy bén hơn trước những thách thức đang gia tăng đối với các kế hoạch kinh doanh của mình trên các tuyến giao thương đường biển và đường bộ. 

Vị thế đang lên của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Mỹ bất an.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã cảnh báo về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, qua đó có thể làm suy yếu sự hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống trong khu vực.

Xét về dài hạn, Trung Đông đang dịch chuyển sang một khía cạnh cạnh tranh không thể tránh được giữa Mỹ và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục