Mỹ và Trung Quốc gấp rút nhằm đạt được thỏa thuận trước thời hạn chót

Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra tại Washington hiện nay là vòng đàm phán thứ 4 kể từ khi Washington và Bắc Kinh nhất trí "đình chiến" thương mại trong vòng 90 ngày.
Mỹ và Trung Quốc gấp rút nhằm đạt được thỏa thuận trước thời hạn chót ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ( thứ 2 trái) tại Washington, DC, Mỹ, ngày 22/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong ngày 23/2, đoàn đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã liên tục thương lượng trong 7 giờ đồng hồ nhằm giải quyết những tranh chấp thương mại cũng như tránh làm leo thang cuộc chiến thuế quan giữa hai nước - yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại toàn cầu, khiến kinh tế thế giới giảm tốc và thị trường tài chính rối loạn.

Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra tại Washington hiện nay là vòng đàm phán thứ 4 kể từ khi Washington và Bắc Kinh nhất trí "đình chiến" thương mại trong vòng 90 ngày - thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina hồi tháng 11/2018.

[Mỹ, Trung Quốc quyết định kéo dài thời gian đàm phán thương mại]

Tính đến ngày 23/2, vòng đàm phán lần này đã bước sang ngày thứ 5 liên tiếp và việc kéo dài vòng đàm phán hết hết tuần này đã được Washington và Bắc Kinh nhất trí sau khi đoàn đàm phán hai nước thông báo đạt được tiến bộ trong việc thu hẹp những bất đồng giữa hai bên. Từ ngày 19/2, hai bên đã tiến hành cuộc đàm phán cấp thấp để chuẩn bị cho cuộc đàm phán cấp cao diễn ra trong 2 ngày 21-22/2.

Theo hãng tin Reuters, đoàn đàm phán 2 nước hiện đang soạn thảo các Biên bản ghi nhớ (MOUs) về thương mại liên quan đến vấn đề đánh cắp thông tin, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, nông nghiệp và hàng rào phi thuế quan.

Trong tuyên bố ngày 22/2, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định không ông thích MOUs bởi chúng chỉ mang tính ngắn hạn và cái ông muốn là một thỏa thuận dài hạn. Theo một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán, Washington và Bắc Kinh đã thu hẹp bất đồng trong vấn đề sở hữu trí tuệ, quyền tiếp cận thị trường cũng như giảm mức thâm hụt thương mại gần 400 tỷ USD giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, những bất đồng lớn giữa hai nước vẫn tiếp tục được điều chỉnh liên quan đến chính sách bảo hộ của Trung Quốc, quy định về chuyển giao công nghệ và vấn đề đánh cắp thông tin. Lâu nay, Mỹ vẫn luôn muốn có một cơ chế mạnh mẽ nhằm đảm bảo những cam kết cải tổ của Trung Quốc được thực thi, trong khi Bắc Kinh kiên quyết với lập trường quy trình cải tổ diễn ra "công bằng và khách quan."

Hai nước vẫn chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào về một cơ chế thực thi. Hiện vẫn chưa rõ cuộc thương lượng ngày 23/2 có giải quyết được những bất đồng nêu trên hay không. Cho đến thời điểm hiện tại, cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa công bố bất cứ nội dung buổi làm việc.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Stevan Mnuchin thông báo đoàn đàm phán hai nước đã đạt được thỏa thuận về vấn đề tiền tệ, song không công bố chi tiết.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán thương mại sẽ tiếp diễn trong sáng 24/2 (theo giờ Mỹ). Hãng tin Reuters (Anh) dẫn một nguồn tin cho biết đoàn đàm phán Trung Quốc sẽ lên đường trở về Bắc Kinh vào ngày 25/2.

Cuộc chiến thương mại bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.

Lãnh đạo hai nước đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày kể từ 1/12/2018, để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng. Nếu giới chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 2/3 tới. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng để ngỏ khả năng kéo dài thời hạn chót nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục