Ngày 18/3, các quan chức cấp cao về an ninh và đối ngoại Mỹ và Trung Quốc đã khởi động cuộc gặp kéo dài 2 ngày tại Alaska để thảo luận về một loạt vấn đề trong quan hệ song phương cũng như quốc tế.
Đây là cuộc gặp quan trọng đầu tiên giữa hai nước dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau 4 năm quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất.
Tham dự cuộc gặp về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, về phía Trung Quốc có Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị.
Phát biểu mở màn cuộc gặp, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh nhưng sẽ sẵn sàng cho một cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc thế giới.
Cũng theo ông Blinken, Mỹ sẽ thảo luận về những quan ngại sâu sắc của mình trước những hành động của Trung Quốc vốn "đang đe dọa trật tự thế giới dựa trên luật lệ" cũng như những hành động chèn ép về kinh tế của Bắc Kinh với các đồng minh của Mỹ.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan khẳng định Mỹ không tìm kiếm xung đột và Washington sẽ sát cách với các đồng minh, đối tác.
Ông Sullivan nêu rõ Mỹ không tìm kiếm xung đột nhưng hoan nghênh những sự cạnh tranh mạnh mẽ và Washington luôn bảo vệ những nguyên tắc của mình.
Về phần mình, Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng chính Mỹ đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây sức ép với các nước khác, đồng thời lạm dụng an ninh quốc gia để đe dọa tương lai của thương mại quốc tế.
Quan chức này khẳng định Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, song vẫn bày tỏ hy vọng hai bên sẽ không xảy ra xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi.
[Trung Quốc khẳng định không nhượng bộ Mỹ trong các vấn đề trọng yếu]
Trước thềm cuộc gặp này, cả Mỹ và Trung Quốc đều không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả đạt được. Thậm chí, theo lời một số quan chức cấp cao Mỹ, hai bên có thể không ra tuyên bố chung hoặc thông báo lớn nào sau cuộc gặp.
Phía Trung Quốc cũng khẳng định Bắc Kinh không mong đợi vòng đối thoại lần này có thể giải quyết được tất cả các vấn đề giữa hai bên.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn dư địa hợp tác cho hai nước trong một số lĩnh vực như đẩy lùi đại dịch COVID-19, ứng phó với biến đổi khí hậu và khôi phục cơ chế trao đổi bị gián đoạn giữa hai nước.
Ngoài ra, cuộc gặp lần này còn được coi là là tiền đề cho các cuộc tiếp xúc cấp cao tiếp theo nhằm cài đặt lại quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau một thời gian dài căng thẳng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump./.