Mỹ và Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chạy đua về công nghệ cao

Chuyên gia nhận định trong tương lai rất gần sẽ hình thành hai cực trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ quan trọng nhất. Một cực là các công nghệ do Mỹ kiểm soát và cực kia là công nghệ của Trung Quốc
(Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng Reuters/Sputnik, trong cuộc họp báo đầu tiên sau vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, tại Canada, đại diện tập đoàn cho biết họ đã ký được 25 hợp đồng cung cấp hạ tầng mạng 5G, thay cho 22 hợp đồng đã được công bố vào tháng 11/2018.

Theo hãng tin Reuters, tập đoàn đã giao hơn 10.000 trạm thu phát gốc truyền thông di động 5G cho khách hàng, mà không tiết lộ dữ liệu khách hàng. Tại một hội nghị diễn ra ở văn phòng thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Huawei cũng cho biết doanh thu dự kiến sẽ vượt qua con số 100 tỷ USD trong năm nay, tăng thêm 8,7% so với năm 2017.

Tập đoàn đã thực hiện một bước đi “chưa từng có” để xóa tan những nghi ngờ về thương hiệu Huawei tại các nước phương Tây. Tập đoàn đã mời các nhà báo đến phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển, sau đó tổ chức cuộc họp báo với sự tham gia của các đại diện cấp cao.

Chủ tịch luân phiên Ken Hu Houkun cho biết khách hàng tiếp tục tin tưởng Huawei, mặc dù có một số lời đồn thổi về tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc.

Ông Ken Hu Houkun nhấn mạnh tầm quan trọng của các trung tâm hợp tác và chia sẻ thông tin mà Huawei đang xây dựng ở châu Âu, Canada và các quốc gia khác để đánh giá chất lượng sản phẩm của mình.

Huawei sử dụng kinh nghiệm của trung tâm đánh giá mối đe dọa an ninh mạng mà tập đoàn đã xây dựng ở Anh 10 năm trước.

Trung tâm chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý, mặc dù hoạt động này chưa giải quyết được hoàn toàn vấn đề an ninh mạng.

Chuyên gia Andrei Ionin thuộc Viện Hàn lâm Vũ trụ Nga cho biết Huawei đang trải qua một năm khó khăn, bởi vì Mỹ, Australia, New Zealand, Anh, Nhật Bản, Pháp và Đức đã lần lượt từ chối một số dịch vụ của Huawei vì lý do an ninh quốc gia.

Mỹ cố gắng ngăn chặn Huawei tham gia phát triển truyền thông di động thế hệ thứ 5 trong khuôn khổ chiến dịch chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Theo ông, Trung Quốc và Mỹ là hai nhà lãnh đạo công nghệ thế giới. Họ đang cạnh tranh với nhau để kiểm soát các tiêu chuẩn công nghệ trong di truyền học, công nghệ nano, số hóa và trí tuệ nhân tạo.

Trong lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là mạng 5G, được liên kết với Huawei và ZTE, và đây cũng là một phần của cuộc đấu tranh này.

Ông Andrei Ionin nói: “Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu không những trở thành ‘công xưởng của thế giới’, mục tiêu này đã đạt được 10-15 năm trước, mà còn trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao.

[Tập đoàn công nghệ Huawei tăng 21% doanh thu trong năm 2018]

Bắc Kinh nhận thức được rằng quốc gia nào kiểm soát được quá trình phát triển công nghệ trên thực tế sẽ kiểm soát được nền kinh tế toàn cầu. Cuộc chạy đua đang diễn ra trong lĩnh vực này.

Trong cuộc đấu tranh này có nhiều mặt trận. Huawei chỉ là một trong số đó. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là cuộc chiến thương mại, mà là cuộc đấu tranh trong lĩnh vực công nghệ, xung quanh các tiêu chuẩn công nghệ trong cuộc cách mạng công nghệ.”

Kể từ những năm 1990, Mỹ không chỉ là một siêu cường về quân sự, kinh tế và chính trị, mà còn là một siêu cường công nghệ. Mỹ đạt được lợi nhuận tối đa từ điều đó.

Chính sự vượt trội về công nghệ đã tạo cơ hội để Mỹ di chuyển ra nước ngoài những cơ sở sản xuất, bao gồm cả Trung Quốc, vì Mỹ sở hữu các công nghệ quan trọng nhất. Ông Andrei Ionin nhận xét, thời đại thế giới công nghệ đơn cực đang kết thúc.

Trung Quốc tìm cách làm chủ các công nghệ tiên tiến, vì họ nhận thức được rằng, công nghệ tiên tiến tượng trưng cho sự phát triển, lợi nhuận cao, sức mạnh của đất nước. Mỹ chống lại điều này.

Trong những điều kiện này, cả Trung Quốc và Mỹ cố gắng tập hợp xung quanh mình các đối tác và đồng minh, trong lĩnh vực chính trị cũng vậy.

Chuyên gia nhận định trong tương lai rất gần sẽ hình thành hai cực trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ quan trọng nhất. Một cực sẽ có các quốc gia sử dụng các công nghệ do Mỹ kiểm soát. Cực kia, người ta sẽ sử dụng các công nghệ của Trung Quốc.

Chính bởi vậy Trung Quốc đang cố gắng mở rộng vùng ứng dụng các công nghệ, các tiêu chuẩn công nghệ của nước này.

Điều đó sẽ tạo cơ hội định hướng lại nền kinh tế và các ngành công nghiệp của các quốc gia khác để họ sử dụng các sáng chế của Trung Quốc, bao gồm cả trong lĩnh vực truyền thông di động thế hệ thứ năm.

Để làm được như vậy, Bắc Kinh nên thiết lập sự tương tác và các liên hệ đáng tin cậy với các đối tác công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục