Mỹ và Trung Quốc "áp đảo" top 500 đại học hàng đầu thế giới

Công ty Tư vấn xếp hạng Thượng Hải đã công bố Bảng xếp hạng 500 đại học hàng đầu thế giới năm 2018 (ARWU), trong đó các cơ sở đào tạo của Mỹ và Trung Quốc chiếm nhiều nhất.
Mỹ và Trung Quốc "áp đảo" top 500 đại học hàng đầu thế giới ảnh 1Sinh viên của Đại học Harvard của Mỹ. (Nguồn: New York Film Academy)

Ngày 15/8, Công ty Tư vấn xếp hạng Thượng Hải đã công bố Bảng xếp hạng 500 đại học hàng đầu thế giới năm 2018 (ARWU), trong đó các cơ sở đào tạo của Mỹ và Trung Quốc chiếm nhiều nhất.

Trong bảng xếp hạng này, có 8 trường của Mỹ và 2 trường của Anh lọt vào top 10.

Đại học Harvard của Mỹ tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong 16 năm liên tiếp. Các vị trí còn lại không thay đổi với Đại học Stanford ở vị trí thứ 2 và Đại học Cambridge xếp thứ 3, tiếp theo là Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học California Berkeley, Đại học Princeton, Đại học Oxford, Đại học Columbia, Viện Công nghệ California và Đại học Chicago.

Theo ARWU, Mỹ hiện là quốc gia dẫn đầu về số lượng các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng khi chiếm tới 27,8% danh sách. Theo đó, các cơ sở đào tạo của Mỹ tiếp tục thống lĩnh bảng xếp hạng với 8 trường nằm trong top 10, 46 trường đại học, cao đẳng của Mỹ trong top 100, và 139 trường trong top 500.

[Mỹ thống trị bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới]

Trong khi đó, Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2 với 62 trường đại học nghiên cứu nằm trong ARWU, chiếm 12,4% trong danh sách.

Đại học Thanh Hoa đứng ở vị trí thứ 45 - cao thứ 3 ở châu Á; Đại học Bắc Kinh đứng ở vị trí thứ 57, Đại học Chiết Giang chiếm vị trí thứ 67, là lần xuất hiện đầu tiên trong top 100. 

Bảng xếp hạng còn cho thấy Đại học Tokyo (xếp thứ 22) và Đại học Kyoto (35) đều của Nhật Bản tiếp tục duy trì vị thế là các trường đại học hàng đầu ở châu Á.

Kể từ năm 2003, Công ty Tư vấn xếp hạng Thượng Hải đã công bố bảng xếp hạng về 500 trường đại học hàng đầu thế giới dựa trên dữ liệu của bên thứ ba.

Theo đó, ARWU đã dựa vào 6 chỉ số khách quan dưới đây: số lượng cựu sinh viên và nhân viên giành giải Nobel và huy chương Fields, số lượng các nhà nghiên cứu được trích nguồn cao, số lượng các bài báo được công bố trên Tạp chí Khoa học và Tự nhiên, số lượng các bài báo được lập chỉ mục trong "Danh mục trích dẫn khoa học - Danh mục trích dẫn khoa học xã hội" và thành tích học thuật của từng trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục