Mỹ và Palestine thảo luận về hòa đàm Trung Đông

Ngoại trưởng Mỹ đã gặp Trưởng đoàn đàm phán của Palestine trong nỗ lực nhằm đưa các cuộc hòa đàm với Israel trở lại quỹ đạo.
Trong một nỗ lực thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel bị đình trệ từ năm 2008, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có hai cuộc gặp liên tiếp trong ngày 19/7 với trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erakat tại thủ đô Amman của Jordan.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc gặp đầu tiên giữa ông Kerry và ông Erakat kéo dài 44 phút, sau đó, hai bên trở lại thảo luận trong vòng 1 tiếng rưỡi. Chi tiết các cuộc thảo luận này chưa được công bố. Tuy nhiên, một quan chức Palestine cho biết Ngoại trưởng Kerry tới Bờ Tây để gặp Tổng thống Palestine Mahmud Abbas vào chiều cùng ngày.

Theo các nhà phân tích, Ngoại trưởng Kerry tiến hành các hoạt động ngoại giao dồn dập như trên là bởi ban lãnh đạo Palestine tại Ramallah (Ra-ma-la) trong cuộc họp kết thúc vào sáng 19/7 đã ra quyết định đề nghị sửa đổi kế hoạch hòa bình Trung Đông do ông Kerry đề xuất. Phía Palestine đề nghị rằng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trên cơ sở các đường biên giới có từ trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, và Israel cần phải ngừng xây dựng khu định cư và có quan điểm rõ ràng về việc thả tù nhân Palestine đang bị giam tại Israel.

Trong khi đó, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) gồm các phái cánh tả vốn không mấy ủng hộ giải pháp thỏa hiệp với Israel, cho biết PLO cũng đang chuẩn bị đưa ra phản ứng chính thức đối với đề xuất hòa bình của ông Kerry. Ông Mustafa Barghuti, một thành viên quốc hội Palestine, cho biết sau cuộc họp tại Ramallah, hầu hết các phe phái trong PLO đã phản đối kế hoạch hòa bình của ông Kerry.

Vài ngày trước, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã tỏ ý tin tưởng vào triển vọng sớm tái khởi động các cuộc đàm phán Palestine-Israel, đồng thời nhấn mạnh rằng khoảng cách giữa hai bên đã được thu hẹp đáng kể, sau các cuộc thảo gặp với Tổng thống Palestine Abbas và các quan chức Liên đoàn Arập (AL) trong ngày 16/7 tại Amman.

Trong chuyến công du Trung Đông lần thứ 6 này, ông Kerry không gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhưng hai bên đã có các cuộc điện đàm. Ngoại trưởng Kerry đã hối thúc Israel xem xét kỹ sáng kiến hòa bình do Arập Xêút đề xuất tại một cuộc họp của AL năm 2002, theo đó 22 nước Arập và 35 nước Hồi giáo sẽ công nhận hoàn toàn Israel nếu nước này từ bỏ tất cả đất đai chiếm được trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và nhất trí với "giải pháp công bằng" cho người tỵ nạn Palestine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục