Mỹ và Nhật ra tuyên bố chung về kế hoạch tham vấn thương mại

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được một thỏa thuận thương mại song phương nhằm giảm thuế đối với các mặt hàng nông sản và công nghiệp.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ ký thỏa thuận thương mại song phương ở New York của Mỹ ngày 25/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ ký thỏa thuận thương mại song phương ở New York của Mỹ ngày 25/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/9, Mỹ và Nhật Bản thông báo dự định kết thúc các cuộc tham vấn thương mại trong vòng khoảng 4 tháng và kiềm chế những hành động "trái với tinh thần” của thỏa thuận ban đầu.

Thông báo được đưa ra trong một tuyên bố chung sau cuộc hội đàm cùng ngày giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York của Mỹ.

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đạt được một thỏa thuận thương mại song phương nhằm giảm thuế đối với các mặt hàng nông sản và công nghiệp.

Theo đó Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với 7 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ, trong đó có lúa mỳ, lúa mạch, thịt bò và thịt lợn.

Đổi lại, Mỹ giảm thuế nhập khẩu đối với 40 triệu USD hàng nông sản của Nhật Bản và nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế đối với thịt bò của nước này.

Mặc dù thỏa thuận không đề cập lĩnh vực ôtô, song Thủ tướng Abe cho biết đã nhận được cam kết một lần nữa của Tổng thống Mỹ về việc Washington sẽ không áp mức thuế cao hơn đối với ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Tuyên bố chung được đưa ra sau hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo nêu rõ "trong khi thực hiện một cách trung thực các thỏa thuận, hai nước sẽ cố gắng không có những biện pháp trái với tinh thần của các thỏa thuận cũng như tuyên bố chung này."

Tuyên bố cũng cho biết hai nước sẽ nỗ lực nhằm sớm tìm ra giải pháp cho những vấn đề khác liên quan đến thuế xuất nhập khẩu.

Sau khi ký kết thỏa thuận trên, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ đều bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận đạt được sau 1 năm đàm phán.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định các khoản đầu tư của nước này sẽ gia tăng và cả hai nền kinh tế sẽ phát triển khi thỏa thuận có hiệu lực.

Ông bày tỏ tin tưởng thỏa thuận đem lại lợi ích cho cả hai bên ký kết. Các quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá thỏa thuận thương mại mới sẽ đóng góp cho sự phát triển ổn định của thương mại giữa hai nước.

[Thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật gặp trở ngại vào phút chót]

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thỏa thuận trên là “một thắng lợi lớn” đối với nông dân Mỹ, song cho biết hai nước sẽ tiếp tục đàm phán để đạt được một thỏa thuận toàn diện.

Trong một tuyên bố, Hiệp hội lúa mỳ quốc gia Mỹ cho rằng thỏa thuận này sẽ chấm dứt lợi thế chi phí cạnh tranh ngày càng tăng mà lúa mỳ nhập khẩu từ Canada và Australia có được” theo Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sửa đổi, hay còn gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có hiệu lực từ năm ngoái mà không có sự tham gia của Mỹ.

Mỹ từng tham gia đàm phán TPP, trong đó có Australia, Canada và Nhật Bản. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này năm 2017 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương, cũng như thúc đẩy một thỏa thuận nhằm giảm thâm hụt thương mại khổng lồ với Nhật Bản.

Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, thỏa thuận thương mại mới đạt được dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 sau khi hai nước hoàn tất các thủ tục trong nước.

Ông Lighthizer cho biết hai nước sẽ giải quyết vấn đề ôtô trong vòng đàm phán sau, dự kiến diễn ra vào tháng 4/2020.

Ôtô chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật trị giá 67 tỷ USD và ông Trump lâu nay nói rằng các nhà sản xuất ôtô Mỹ không được hưởng sự tiếp cận công bằng với thị trường Nhật Bản.

Ông Lighthizer nhấn mạnh Mỹ không có ý định áp thuế bổ sung đối với ôtô nhập khẩu, song kết quả nghiên cứu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy ôtô nhập khẩu “đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.”

Thông báo của Chính phủ Nhật Bản cho biết các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ hướng tới việc dỡ bỏ mức thuế 2,5% mà Mỹ đang áp dụng đối với ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê, Nhật Bản hiện xuất khẩu khoảng 1,7 triệu ôtô/năm sang Mỹ, tương đương khoảng 10% doanh số bán ôtô tại thị trường này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục