Ngày 14/9, Mỹ và Israel đã ký kết thành công thỏa thuận viện trợ quân sự trị giá lên đến 38 tỷ USD, được đánh giá là gói viện trợ lớn nhất trong lịch sử mà Washington dành cho một quốc gia đồng minh.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, thỏa thuận mới đạt được giữa hai quốc gia đồng minh thân cận này sẽ bắt đầu có hiệu lực sau khi gói viện trợ hiện tại kết thúc vào năm 2018 và sẽ kéo dài trong vòng 10 năm.
Trong số 38 tỷ USD viện trợ này, khoảng 5 tỷ USD sẽ được Mỹ dành cho việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel.
Phát biểu tại lễ ký kết, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nhấn mạnh rằng thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Israel lần này đã phản ánh mối quan hệ sâu đậm giữa hai nước và sự hỗ trợ bền chặt mà Mỹ luôn dành cho đồng minh Israel.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu coi đây là một thỏa thuận chưa từng có và là một thành tựu vô cùng quan trọng của Israel.
Ông Netanyahu cũng nhấn mạnh rằng gói viện trợ lịch sử này sẽ giúp Israel tăng cường sức mạnh quân sự và hệ thống phòng thủ tên lửa.
Nhà lãnh đạo Israel cũng cho rằng việc đầu tư cho an ninh của nhà nước Do Thái cũng sẽ thúc đẩy an ninh khu vực Trung Đông và phục vụ cho cả lợi ích của Mỹ.
Mỹ và Israel bắt đầu đàm phán về thỏa thuận gói viện trợ quân sự mới vào tháng 11/2015.
Tuy nhiên, hai bên cũng đã vấp phải nhiều bất đồng trong nhiều vấn đề bao gồm việc Israel yêu cầu Mỹ phải gia tăng khoản viện trợ thêm ít nhất là 1,5 tỷ USD/năm so với gói viện trợ cũ khoảng 3,1 tỷ USD/năm; Mỹ yêu cầu toàn bộ khoản tài chính viện trợ sẽ được sử dụng để mua các trang thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất, trong khi Israel đòi hỏi một phần trong gói viện trợ sẽ được quy đổi ra đồng nội tệ để mua các sản phẩn quốc phòng do nước này tự sản xuất…
Việc Mỹ đồng ý nâng mức viện trợ lên 3,8 tỷ USD/năm là một thành công của Israel, đồng thời cũng cho thấy những ưu tiên trong chính sách của Washington dành cho đồng minh quan trọng này trong khu vực Trung Đông hiện nay./.