Ngày 10/3, tại Brussels (Bỉ), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã tiến hành vòng đàm phán tiếp theo về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Vòng đàm phán này sẽ mở đường cho việc tăng cường trao đổi thương mại giữa hai bên và các thỏa thuận đầu tư trong thời gian tới.
Theo quan chức EU, tại vòng đàm phán này, hai bên sẽ thảo luận các khía cạnh khác nhau của TTIP, bao gồm dịch vụ, mua sắm công, các quy định về nguồn gốc hàng hóa, rào cản kỹ thuật đối với trao đổi hàng hóa, nông nghiệp, thuế quan và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa.
Dự kiến, vòng đàm phán này sẽ kéo dài 5 ngày.
Vòng đàm phán trước vào tháng 12/2013 tại Washington đã đạt tiến triển nhất định trên ba lĩnh vực là tiếp cận thị trường, các khía cạnh điều chỉnh và các quy định trao đổi hàng hóa.
Đàm phán TTIP được khởi động từ tháng 7/2013 với tham vọng hình thành nên một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Hiện các nền kinh tế EU và Mỹ chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ, 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.
TTIP thành công sẽ là hiệp định tự do thương mại (FTA) lớn nhất và là kiểu mẫu FTA xuyên lục địa đầu tiên của thế giới. Đầu tư và hoạt động thương mại xuyên Đại Tây Dương hiện tạo ra tới 13 triệu việc làm cho cả hai phía.
Ủy ban châu Âu ước tính nếu TTIP hoạt động, sẽ giúp cho nền kinh tế mỗi bên cộng thêm từ 0,5% đến 1% vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm và tạo thêm hàng triệu việc làm mới.
Đối với châu Âu, TTIP có thể tạo thêm nửa triệu việc làm và đem lại 119 tỷ euro/năm cho nền kinh tế này. Với nền kinh tế Mỹ, con số này sẽ là 95 tỷ euro. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp ảnh hưởng đến thị trường lao động, TTIP rõ ràng là một cơ hội lớn cho hai bên cải thiện tình hình.
Mỹ và EU đặt lộ trình ký kết TTIP vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, do còn nhiều bất đồng nên các nhà đàm phán không bảo đảm sẽ đạt được mục tiêu này./.