Mỹ và Đức hợp tác sản xuất máy bay tiêm kích tàng hình F-35

Phó Chủ tịch của Lockheed Martin cho biết việc sản xuất các bộ phận thân giữa máy bay F-35 ở Đức sẽ rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng với loại máy bay này.
Máy bay F-35 của Mỹ tại căn cứ ở Fort Worth, bang Texas. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rheinmetall của Đức cho biết đã đạt thỏa thuận với tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin và Northrop Grumman của Mỹ để cung cấp các bộ phận cho máy bay chiến đấu F-35 vốn được Berlin đặt mua để thay thế cho phi đội Tornado đã cũ của mình.

Với thỏa thuận ký kết, tập đoàn Rheinmetall có trụ sở ở Düsseldorf sẽ sản xuất các bộ phận phần thân giữa (trung tâm) máy bay.

Tập đoàn Đức cho biết dự án hợp tác với các công ty Mỹ sẽ bao gồm việc thiết lập một dây chuyền lắp ráp tích hợp cho các bộ phận phần trung tâm thân máy bay F-35 ở Đức.

Thoả thuận này sẽ là văn kiện hợp tác quan trọng đầu tiên giữa các tập đoàn công nghiệp quốc phòng hai nước trong việc sản xuất các bộ phận của máy bay.

Nhà sản xuất chính F-35 là Lockheed Martin, trong khi Northrop Grumman là một trong những đối tác chính, sản xuất cánh và hệ thống cảm biến cho máy bay phản lực này.

Ông Mike Shoemaker, Phó Chủ tịch phụ trách chăm sóc khách hàng F-35 của Lockheed Martin cho biết việc sản xuất các bộ phận thân giữa máy bay F-35 ở Đức sẽ rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với loại máy bay này.

F-35 là máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới, với hình dáng và công nghệ tàng hình rất khó bị radar phát hiện.

Loại máy bay phản lực này đang ngày càng phổ biến ở các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và châu Âu.

Các nước Anh, Italy, Hà Lan, Na Uy và Ba Lan đều đã đặt hàng máy bay này trong những năm gần đây. Hiện trên toàn thế giới đang có 890 chiếc F-35 hoạt động.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner hoan nghênh thỏa thuận hợp tác sản xuất nêu trên, coi đây là dấu hiệu tốt cho quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Năm ngoái, Đức đã ký thỏa thuận mua 35 máy bay F-35 để thay thế phi đội Tornado như một phần của chương trình hiện đại hoá quân đội sau thời điểm bước ngoặt liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine.

[Hải quân Mỹ đặt hàng thêm 18 máy bay tiêm kích F-35]

Đối với Đức, F-35 rất quan trọng trong trường hợp phải viện tới chương trình "chia sẻ hạt nhân" của NATO.

Khi đó, các máy bay F-35 của Đức sẽ vận chuyển bom hạt nhân của Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh.

Cho đến nay, những máy bay Tornado của Đức đang thực hiện nhiệm vụ này, nhưng các máy bay cũ sẽ được thay thế trong những năm tới. Theo kế hoạch, quân đội Đức sẽ nhận 8 chiếc F-35A Lightning II đầu tiên vào năm 2026.

Thành công của F-35 lại gây bất lợi cho các máy bay Rafale của Pháp và Eurofighter của Airbus, cũng như làm dấy lên hoài nghi về kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo mà Đức, Pháp và Tây Ban Nha cùng hợp tác sản xuất, với tên gọi Hệ thống Tác chiến trên không tương lai (FCAS)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục