Mỹ và châu Âu quyết liệt chống biến đổi khí hậu, giảm tải lưới điện

Tình trạng nắng nóng kỷ lục ở Mỹ và châu Âu khiến lưới điện ngày càng quá tải cho thấy Mỹ và châu Âu đang cần thiết phải hành động quyết liệt để chống biến đổi khí hậu.
Mỹ và châu Âu quyết liệt chống biến đổi khí hậu, giảm tải lưới điện ảnh 1Người dân tránh nắng nóng tại một công viên ở London, Anh khi nhiệt độ lên cao kỷ lục trên 40 độ C, ngày 19/7. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thời tiết mùa Hè nắng nóng kỷ lục ở Mỹ và châu Âu đang cho thấy sự cần thiết phải hành động quyết liệt chống biến đổi khí hậu, khi nhiệt độ cao có thể làm tăng sản xuất năng lượng và khí nhà kính góp phần làm Trái Đất nóng lên.

Tình trạng nắng nóng đang khiến lưới điện ngày càng quá tải và thúc đẩy nhu cầu sử dụng điều hòa không khí. Ông Michael Gerrard, Giám đốc Trung tâm Luật Biến đổi Khí hậu Sabin của Trường Luật Columbia (Mỹ), cho biết: “Phần lớn lượng phát thải khí nhà kính đến từ tiêu thụ năng lượng, chủ yếu là để tạo ra điện. Nhiệt độ cực cao làm tăng đáng kể nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí, vốn là vật tiêu thụ năng lượng đáng kể."

Tại Mỹ, hơn một nửa số tiểu bang đang được khuyến cáo về nhiệt độ, với mức cao nhất dao động quanh 115 độ F (tương đương hơn 46 độ C) ở 2 tiểu bang Texas và Oklahoma.

Dữ liệu của Dịch vụ Thời tiết Quốc gia cho biết ít nhất bốn tiểu bang gồm Arkansas, Illinois, Kansas và Missouri đã chứng kiến nhiệt độ nóng hơn ít nhất 10 độ C so với mức trung bình lịch sử cho thời điểm này trong năm.

[Thúc đẩy biện pháp ứng phó thời tiết nắng nóng kỷ lục tại Mỹ, châu Âu]

Bên kia Đại Tây Dương, thị trấn Coningsby của Anh ở Lincolnshire đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 104,5 độ F (hơn 40 độ C) vào ngày thứ Ba, phá kỷ lục chỉ vài giờ trước đó là 104,4 độ F ở thủ đô London.

Các cộng đồng ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đã chống chọi với nhiệt độ cao và tình trạng cháy rừng. Ở cả hai phía của Đại Tây Dương, nhiệt độ cao gây ra các ca tử vong, khi có ít nhất 13 trường hợp tử vong đã được ghi nhận ở Anh, nơi nhiều người sống mà không có máy điều hòa nhiệt độ vì nhiệt độ hiếm khi đạt đến mức 90 độ F (32,2 độ C) tính đến ngày 20/7 vừa qua.

Ít nhất 500 người chết vì nắng nóng ở các bang Oregon, Washington, Idaho và miền Nam Canada vào mùa hè năm ngoái trong đợt nắng nóng ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Những đợt nóng như vậy được cho là sẽ trở nên phổ biến hơn do biến đổi khí hậu và việc thiếu các hành động để làm chậm lại tiến trình này.

Theo chuyên gia Samantha Gross, giám đốc Sáng kiến An ninh Năng lượng và Khí hậu của Viện Brookings cho biết, nhiệt độ quá cao đồng nghĩa với việc nhu cầu sản xuất điện tăng lên, trở thành một vấn đề quan ngại vì nhu cầu đặc biệt đối với khí đốt để phát điện ở châu Âu tăng vọt trong mùa hè.

Theo bà Gross, tình trạng nắng nóng chưa từng có đang gây khó khăn cho việc bổ sung các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên để chuẩn bị cho mùa Đông. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nói thêm rằng, nhu cầu phát điện lớn hơn vừa làm tăng lượng phát thải từ sản xuất điện vừa gây áp lực lên các lưới điện trong khu vực, đặc biệt là ở Texas, nơi lưới điện trên toàn tiểu bang đã không được chuẩn bị cho thời tiết mùa đông khắc nghiệt.

Trong khi đó, ông Gerrard gợi ý rằng mặc dù việc gia tăng điều hòa không khí có thể là giải pháp duy nhất giúp giảm bớt cái nóng ngay lập tức, nhưng có những bài học thiết kế cần được rút ra để có thể cung cấp các lựa chọn thay thế trong các đợt nắng nóng trong tương lai.

Chuyên gia này nhận định về lâu dài, có những phương pháp thiết kế tòa nhà để lưu thông không khí và gió tốt hơn, như việc bố trí nhiều cây xanh là rất quan trọng. Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị là một hiện tượng chính giảm đi đáng kể khi trồng số lượng lớn cây xanh.

"Đảo nhiệt đô thị" là một thuật ngữ để chỉ các thành phố có mật độ dày đặc của cơ sở hạ tầng hấp thụ nhiệt đặc biệt, chẳng hạn như vỉa hè và các tòa nhà, thay cho lớp phủ đất tự nhiên. Hiện tượng này có thể dẫn đến nhiệt độ cao hơn cũng như tăng chi phí năng lượng và mức độ ô nhiễm không khí.

Tình trạng nắng nóng cũng ảnh hưởng tới các chính sách đối ngoại, khi các nhà lãnh đạo Anh, châu Âu và Mỹ đều tham gia lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, quốc gia cung cấp phần lớn nhiên liệu cho châu Âu.

Theo ông Ben Cahill, một thành viên cấp cao tại Chương trình An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS): “Đợt nắng nóng hiện tại sẽ thúc đẩy hơn là cản trở những nỗ lực của châu Âu để chuẩn bị cho mùa Đông năm nay. Các quốc gia này không muốn để hệ thống sưởi và làm mát của mình phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí đốt của Nga.”

Chuyên gia này cũng cho rằng việc EU đề xuất cắt giảm 15% khí đốt sẽ thực hiện, nhưng cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách đang có những cuộc thảo luận thẳng thắn về bảo tồn và hiệu quả năng lượng.

Diễn biến nhiệt độ khắc nghiệt xảy ra trong thời điểm áp lực cao đối với việc hoạch định chính sách khí hậu ở Mỹ. Mới tuần trước, Thượng nghị sỹ Dân chủ của bang West Virginia Joe Manchin cho biết sẽ không ủng hộ việc chi tiêu cho khí hậu trong một dự luật hòa giải sau nhiều tuần đàm phán - nỗ lực cuối cùng để cứu khuôn khổ nghị sự "Build Back Better" mà chính quyền Biden đang thúc đẩy.

Tổng thống Biden đã gọi biến đổi khí hậu là một "tình trạng khẩn cấp" nhưng không ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục