Mỹ và bài toán cân bằng chính trị nước lớn trong năm 2021

Tác giả George Beebe cho rằng khoảng cách giữa những mong muốn của Mỹ trong việc ứng phó với các cường quốc đối địch và năng lực của Mỹ chưa bao giờ lớn như hiện nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Unian.info)

Theo trang mạng National Interest, trong bài viết với tiêu đề “Cân bằng chính trị nước lớn trong năm 2021 và sau này," tác giả George Beebe - Giám đốc bộ phận nghiên cứu thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia của Mỹ - cho rằng khoảng cách giữa những mong muốn của Mỹ trong việc ứng phó với các cường quốc đối địch và năng lực của Mỹ trong việc đạt được những mục tiêu này chưa bao giờ lớn như hiện nay.

Nội dung lược dịch như sau:

Giới lãnh đạo Mỹ, từ George Washington đến Ronald Reagan và các thế hệ tổng thống sau này nhìn chung đều hiểu rõ rằng chìa khóa dẫn đến thành công trong việc đối phó với các nước thù địch bên ngoài là phải hành động từ những vị thế sức mạnh chứ không phải sự yếu kém. Điều này vẫn đúng trong bối cảnh hiện nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên đề cao tầm quan trọng của sức mạnh trong việc vượt qua những mối đe dọa của thế giới. Ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ Joe Biden phần nhiều đồng tình với quan điểm này.

Dường như cũng có sự đồng thuận trong giới chuyên gia về chính sách đối ngoại ở cả hai đảng rằng mặc dù ngày càng có nhiều người thừa nhận về sự cần thiết phải rút Mỹ ra khỏi “những cuộc chiến không có hồi kết” ở những khu vực ngoại vi, song Mỹ phải bắt đầu tấn công những đối thủ cạnh tranh nước ngoài chủ chốt của mình.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã theo đuổi chính sách đối đầu với cả Trung Quốc và Nga, hô hào áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có tiền lệ kết hợp với các biện pháp quân sự mà không mảy may lo ngại rằng cách tiếp cận này sẽ thúc đẩy hợp tác Nga-Trung chống lại những lợi ích của Mỹ.

Giống như ông Trump, các nghị sỹ đảng Dân chủ thừa nhận rằng chiến lược của Mỹ nhằm gắn kết Trung Quốc với một hệ thống quốc tế đã thất bại khi không thể đưa Bắc Kinh trở thành một cổ đông có trách nhiệm, đồng thời cho rằng Washington cần thực hiện đường lối cứng rắn hơn chống lại Bắc Kinh và các biện pháp đối phó mạnh mẽ đối với Mosvka.

Những quan điểm về chính sách đối ngoại của Mỹ được tung ra trong mùa bầu cử Mỹ hiện nay không chỉ dừng lại ở khía cạnh chính trị. Đằng sau khán đài là điều dường như là một giả định được tin tưởng một cách thực sự, song hiếm khi được nói ra. Đó là việc tăng cường sức mạnh của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo phần lớn đóng vai trò là “ngọn cờ” tập hợp ý chí cá nhân và ý chí chính trị để thực hiện được điều này.

Lực lượng ủng hộ ông Trump cho rằng những khó khăn về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump chủ yếu là do nỗ lực chống lại cái gọi là “nhà nước ngầm”, một tình trạng vốn đặt những lợi ích của chính nhà nước ngầm này lên trên những lợi ích của người dân Mỹ. Những người ủng hộ này cho rằng ông Trump sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ hai với năng lực tốt hơn trong việc chế ngự tình trạng quan liêu kéo dài để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình khi Trump và đội ngũ trợ lý của ông ngày càng lão luyện trong công tác bổ nhiệm những quan chức có cùng chí hướng.

[Vì sao Trung Đông vẫn là khu vực quan trọng đối với Mỹ?]

Việc tồn tại khoảng cách giữa đạt được những tham vọng về chính sách đối ngoại và những gì có thể đạt được trên thực tế là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, trong trường hợp này, khoảng cách giữa mong muốn của Mỹ trong việc đối phó với các cường quốc đối địch và năng lực của Mỹ để đạt được những mục tiêu đề ra dường như là một hố sâu ngăn cách lớn.

Giả định rằng một tổng thống Trump đổi mới hoặc một Biden mới lên nắm quyền có thể phản công trước cả Trung Quốc và Nga có thể sẽ vấp phải một thực tế không mấy dễ chịu: Mỹ hiện không có khả năng để làm như vậy và sẽ không thể làm như vậy kể cả sau này. Thách thức to lớn hiện hữu trước đội ngũ giới chức hoạch định chính sách ngoại giao của Mỹ không phải là việc làm cách nào để huy động sức mạnh của Mỹ để đánh bại Nga và Trung Quốc.

Washington cần được “rảnh tay” trước các sự kiện bên ngoài để có thể tập trung giải quyết những vấn đề trong nước. Và khi Mỹ ngày càng theo đuổi một chính sách tấn công trên cả hai mặt trận đối với những cường quốc đối địch bên ngoài thì Mỹ ngày càng có khuy cơ lún sâu vào những vấn đề trong nước.

Sức mạnh quốc gia không chỉ đơn thuần là sức mạnh về quân sự và kinh tế. Sức mạnh quốc gia cũng bắt nguồn sâu xa từ những yếu tố vô hình như sự gắn kết xã hội, động lực tiến bộ xã hội và tự tin. Cách đây không lâu, Mỹ sở hữu dồi dào những yếu tố này và đã đóng vai trò to lớn trong việc ứng phó thành công trước thánh thức do Liên Xô đặt ra.

Ngày nay, các nước, từ bạn bè đến đối địch của Mỹ, đều nhận thức rõ ràng sự thiếu vắng của những yếu tố này đối với Mỹ. Sự thiếu vắng này đã tiềm ẩn những nguy cơ thực sự đối với năng lực của Mỹ trong việc thiết lập và triển khai một chính sách đối ngoại thống nhất và chặt chẽ. Điều này khiến Mỹ dễ có xu hướng công kích một cách thiếu thận trọng các đối thủ ở nước ngoài, song lại nhiều khả năng coi những người dân vốn bất đồng với chính sách nhà nước là kẻ thù cần phải đánh bại.

Cuộc chiến công khai này giữa Nhà Trắng, bộ máy phụ trách các vấn đề đối ngoại và các đồng minh của họ trong lĩnh vực truyền thông không chỉ đơn thuần phô bày thực tế là đội ngũ làm việc của ông Trump thiếu kinh nghiệm, không biết cách quản trị và đầy hiếu chiến, mà còn phản ánh sự thiếu liên kết ngày càng gia tăng giữa giới tinh anh và lực lượng trung lưu của Mỹ, vốn đóng vai trò là bệ đỡ cho ông Trump thắng cử. Sự thiếu liên kết này bắt nguồn từ hàng loạt nguyên nhân phức tạp và ngày càng khó có thể hàn gắn, cho dù ông Trump hay ông Biden lên nắm quyền trong vòng 4 năm tới.

Tình trạng chia rẽ trong nội bộ Mỹ nói trên cũng gây ra những hệ quả lớn về cách Nga và Trung Quốc có thể phản ứng trước sức ép ngày càng gia tăng của Mỹ trên mặt trận quân sự, kinh tế và ngoại giao.

Chắc chắn, cả Bắc Kinh và Moskva đều không thể chống lại các chính sách gây sức ép của Mỹ bằng các cuộc tấn công đối xứng nhằm vào sức mạnh của Washington. Tuy nhiên, điều họ chắc chắn sẽ làm là tấn công vào những “điểm huyệt” của Mỹ, mà trong số đó không có "điểm huyệt" nào nguy hiểm và lộ rõ hơn là tình trạng chia rẽ nội bộ Mỹ.

Nếu việc tiếp tục tấn công Nga và Trung Quốc trở nên vô nghĩa thì Mỹ cần ứng phó như thế nào đối với các cường quốc đối địch? Lịch sử đã khơi gợi không ít suy nghĩ ở đây.

Năm 1968, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã đối mặt với một tình huống tương tự như hiện nay ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ đầu của mình. Nước Mỹ khi đó bị chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến tranh mà chính quyền Mỹ phát động ở Việt Nam, về quyền dân sự và những thay đổi được thúc đẩy bởi tầm ảnh hưởng gia tăng của thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh. Các cuộc biểu tình và những âm mưu ám sát làm rung chuyển đất nước.

Nixon đã phát động một chiến dịch trong đó cam kết lập lại trật tự và luật lệ trong nước và chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng làm chuyển biến tình hình của Mỹ khi ấy rất hạn hẹp. Một Liên Xô ngày càng hùng mạnh lúc đó thúc đẩy cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân với Mỹ nhằm thu hẹp khoảng cách về vũ khí hạt nhân với Mỹ. Moskva thời điểm đó cũng sở hữu nhiều lợi thế vượt trội về các lực lượng vũ khí truyền thống ở khu vực châu Âu.

Làm sao Mỹ có thể rút khỏi cuộc chiến ở Việt Nam và tập trung hàn gắn sự chia rẽ trong nước, song vẫn có thể ngăn Liên Xô uy hiếp Tây Âu và truyền bá chủ nghĩa cộng sản trên khắp thế giới?

Giải pháp của Nixon, cùng sự tư vấn của Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger, đã trở thành một chính sách “để đời” trong chiến lược phòng thủ theo chủ nghĩa thực tế.

Khi nắm bắt được cơ hội khi khai thác và tận dụng căng thẳng gia tăng giữa Liên Xô và Trung Quốc, Nixon đã tìm đến Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, thúc đẩy quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, giúp đối trọng với sức mạnh của Liên Xô và làm phức tạp tầm nhìn của Moskva về chính sách đối ngoại.

Đồng thời, Washignton cũng theo đuổi chính sách hạ nhiệt căng thẳng với Liên Xô thông qua các thỏa thuận về thương mại, kiểm soát vũ khí, nhân quyền và xây dựng niềm tin.

Các thỏa thuận này vừa giúp Washington kiềm chế Liên Xô củng cố sức mạnh quân sự, vừa giúp Mỹ có thể kiểm soát và lường trước được những hành động của siêu cường đối địch này. Cách tiếp cận này của Nixon đã giúp ông “câu giờ” hết sức cần thiết để hàn gắn những vết thương trong lòng dân chúng Mỹ, đồng thời củng cố sức mạnh mà sau này đã giúp ích rất nhiều cho ông.

Liệu Mỹ có thể theo đuổi một cách tiếp cận tương tự trong tình hình hiện nay hay không? So với thời điểm của Nixon, những vết thương trong lòng xã hội Mỹ hiện nay dường như nghiêm trọng hơn do tầng lớp trung lưu bất mãn với chính quyền hơn và khả năng hạn hẹp của chính quyền trong việc tạo ra một chiến lược chính sách đối ngoại gắn kết và thống nhất.

Trong khi đó, chính quyền lại thiếu vắng những chính trị gia có tầm cỡ như Kissinger. Thậm chí, ngay cả những nguyên tắc nền tảng của Mỹ cũng đang bị lung lay. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh giá thấp năng lực của Mỹ đối với công cuộc cải tiến và phục hưng.

Lẽ ra, Mỹ từ lâu cần áp dụng một chính sách đối ngoại mang tính ôn hòa để đạt được sự phục hưng đó. Nói cách khác, bước đi quan trọng đầu tiên là cần thừa nhận rằng Mỹ đang gặp phải một vấn đề (chưa được giải quyết)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục