Các quan chức Mỹ và Australia ngày 17/11 đã nhất trí tăng cường hợp tác để đảm bảo nguồn cung kim loại đất hiếm, nguyên liệu có vai trò tối quan trọng trong các ngành sản suất công nghệ năng lượng sạch như xe điện.
Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Dan Tehan diễn ra bên lề Diễn đàn kinh tế mới do Bloomberg tổ chức ở Singapore trong bối cảnh Mỹ nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm và Australia là nhà sản xuất đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.
Ngoài vấn đề đất hiếm, chuyến công du tới khu vực của bà Raimondo cũng nhằm đặt nền móng cho các cuộc đàm phán về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới do Mỹ khởi xướng sau khi nước này rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump.
[Tình trạng cung cầu chênh lệch, đất hiếm đắt hay rẻ trong tương lai?]
Phát biểu ngày 17/11, bà Raimondo cho rằng Mỹ có thể sẽ khởi động tiến trình chính thức vào đầu năm tới nhằm thiết lập một “khuôn khổ kinh tế phù hợp” cho khu vực.
Tại một cuộc gặp 4 bên được tổ chức riêng rẽ, bà Raimondo, ông Tehan cùng những người đồng cấp Singapore và New Zealand đã nhất trí tiếp tục tăng cường các nỗ lực nhằm nâng cao khả năng đảm bảo sự thông suốt của chuỗi cung ứng và thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo Chính phủ Australia, tại cuộc gặp trên, 4 quan chức cũng thảo luận “cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế giữa các đối tác cùng chí hướng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương một cách cởi mở và bao trùm."
Ngoài ra, trong các cuộc đối thoại song phương Mỹ-Australia, bà Raimondo và ông Tehan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ “các tiêu chuẩn mạnh mẽ về môi trường và lao động” trong quá trình xây dựng các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt.
Trước đó, tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) dưới hình thức trực tuyến vào ngày 27/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ngụ ý nhắc tới việc thành lập một “khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” có thể được xem như sự thay thế cho hiệp định TPP gồm 11 thành viên, hiện được biết với tên gọi chính thức là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trước khi đến Singapore, Bộ trưởng Raimondo đã đến Tokyo. Hiện, bà đang có chuyến thăm Malaysia./.