Mỹ và 3 quốc đảo đàm phán về thỏa thuận an ninh quốc gia

Theo thỏa thuận được biết đến là Hiệp ước Liên kết tự do, quân đội Mỹ có đặc quyền tiếp cận không phận và lãnh hải của Liên bang Micronesia, Cộng hòa quần đảo Marshall và Cộng hòa Palau.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: EPA)

Ngày 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo nước này đã bắt đầu các cuộc đàm phán với ba quốc gia ở Thái Bình Dương nhằm gia hạn một thỏa thuận an ninh quốc gia.

Theo thỏa thuận này, được biết đến là Hiệp ước Liên kết tự do (COFA), quân đội Mỹ có đặc quyền tiếp cận không phận và lãnh hải của Liên bang Micronesia, Cộng hòa quần đảo Marshall và Cộng hòa Palau. Đổi lại, các quốc đảo này nhận được hỗ trợ tài chính. Hiệp ước này dự kiến sẽ hết hiệu lực vào năm 2024.

Phát biểu trước báo giới tại bang Pohnpei, một trong bốn bang của Micronesia, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ: "Ngày hôm nay, tôi ở đây để xác nhận Mỹ sẽ hỗ trợ các bạn bảo vệ chủ quyền, an ninh, và quyền sống trong tự do và hòa bình của các bạn. Tôi vui mừng thông báo Mỹ đã bắt đầu các cuộc đàm phán về việc gia hạn các thỏa thuận của chúng ta..."

[Mỹ củng cố quan hệ với một loạt quốc đảo Thái Bình Dương]

Ngoại trưởng Pompeo đưa ra tuyên bố trên sau khi có cuộc gặp với giới lãnh đạo Liên bang Micronesia, quần đảo Marshall và Palau trong khuôn khổ chuyến thăm tới Micronesia. Ông Pompeo là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm quốc gia ở Thái Bình Dương này.

Trước đó, nhằm đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán, hồi tháng Năm vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp đón lãnh đạo của các quốc đảo trên tại Nhà Trắng với trọng tâm thảo luận về vai trò của Mỹ tại khu vực này.

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Mỹ và các nước nhỏ trên Thái Bình Dường có mối quan hệ lợi ích qua lại, trong đó Washington chi khoản lớn ngân sách cho những nước này để đổi lấy việc sử dụng lãnh thổ các nước trong mạng lưới các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục