Mỹ và 15 nước phản đối quy định của EU về thuốc trừ sâu

Trong báo cáo gửi tới WTO, 16 nước cho rằng cách tiếp cận của EU đã tạo ra bất ổn lớn và tách biệt với những đánh giá rủi ro dựa trên cơ sở khoa học.
Mỹ và 15 nước phản đối quy định của EU về thuốc trừ sâu ảnh 116 nước chỉ trích EU áp đặt các quy định về thuốc trừ sâu. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 4/7, Mỹ và 15 quốc gia khác đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chỉ trích việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các quy định về thuốc trừ sâu và "các công cụ thiết yếu" mà người nông dân sử dụng đang đe dọa kế sinh nhai của nhóm đối tượng này trên toàn thế giới.

Trong báo cáo gửi tới WTO, 16 nước gồm Mỹ, Australia, Brazil, Canada, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Guatemala, Honduras, Malaysia, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru và Uruguay cho rằng cách tiếp cận của EU đã tạo ra bất ổn lớn và tách biệt với những đánh giá rủi ro dựa trên cơ sở khoa học.

Theo lập luận của những nước này, người nông dân cần được tạo điều kiện tiếp cận "đầy đủ các công cụ và công nghệ an toàn" để đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sản xuất.

Tuy nhiên, việc lựa chọn những công cụ an toàn của họ ngày càng bị hạn chế do các rào cản pháp lý không được xây dựng dựa trên các nguyên tắc phân tích rủi ro mà quốc tế công nhận và không tính đến các cách tiếp cận thay thế để đạt các mục tiêu theo quy định.

[Mỹ vẫn sử dụng 25% số thuốc bảo vệ thực vật bị cấm ở EU]

Điều này đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, cũng như mua bán thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp an toàn, và mức độ tác động có thể gia tăng trong tương lai.

Báo cáo cũng đề cập tới việc EU đã cấm một số chất mà các nước thành viên khác của WTO coi là an toàn. Các nước này chỉ trích với việc thực hiện các biện pháp trên, EU đang đơn phương áp đặt cách tiếp cận riêng nhằm vào các đối tác thương mại.

Mặc dù nhiều lần được yêu cầu trong suốt 4 năm qua, song EU vẫn không giải thích về mức độ bảo vệ mà khối này mong muốn hay làm rõ về những rủi ro mà họ đang nỗ lực giảm thiểu.

16 nước nói trên cho rằng dù EU đã khuyến cáo người nông dân có thể tìm kiếm các lựa chọn thay thế để đáp ứng các quy định của khối này, song những yêu cầu như vậy là không thực tế, khi nhiều nông dân không có khả năng kinh tế.

Điều này đặc biệt ảnh hưởng tới những gia đình phụ thuộc vào nghề nông tại các nền kinh tế đang và kém phát triển.

Do đó, các nước trên kêu gọi EU cần xem xét lại cách tiếp cận trong việc phê chuẩn các sản phẩm nông nghiệp, sử dụng các phương pháp được quốc tế công nhận trong việc đặt ra mức cho phép đối với các thành phần có thể gây hại, và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế thương mại không cần thiết và bất hợp lý.

Dự kiến, báo cáo trên sẽ được đưa ra tranh luận tại Hội đồng Thương mại Hàng hóa của WTO trong tháng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục