Mỹ ủng hộ việc dành 2 ghế thường trực của HĐBA Liên hợp quốc cho châu Phi

Mỹ ủng hộ thiết lập 2 ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho các quốc gia châu Phi và một ghế luân phiên cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển.

Quang cảnh một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)
Quang cảnh một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 12/9, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết sẽ thông báo việc Washington ủng hộ thiết lập 2 ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho các quốc gia châu Phi và một ghế luân phiên cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ với châu Phi, nơi nhiều nước không hài lòng về sự ủng hộ của Washington đối với cuộc xung đột của Israel ở Gaza, đồng thời tăng cường mối quan hệ với các quốc gia ở Quần đảo Thái Bình Dương.

Theo bà Thomas-Greenfield, thông báo trên sẽ "thúc đẩy chương trình nghị sự để có thể cải cách Hội đồng Bảo an vào một thời điểm nào đó trong tương lai", đồng thời mô tả đây là một phần di sản của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nỗ lực dành 2 ghế thường trực cho châu Phi và một ghế luân phiên cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển là động thái bổ sung cho sự ủng hộ lâu nay của Mỹ đối với Ấn Độ, Nhật Bản và Đức để những quốc gia này cũng có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Các quốc gia đang phát triển từ lâu đã yêu cầu ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực nhất tại Liên hợp quốc, tuy nhiên nhiều năm đàm phán về vấn đề này đã không mang lại kết quả và hiện vẫn chưa rõ liệu sự ủng hộ của Mỹ có thể giúp được những nước trên hay không.

Cũng theo bà Thomas-Greenfield, Mỹ không ủng hộ việc mở rộng quyền phủ quyết vượt quá 5 nước hiện đang nắm giữ quyền này trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chịu trách nhiệm giữ gìn hòa bình, an ninh quốc tế và có quyền áp đặt lệnh trừng phạt và cấm vận vũ khí cũng như quyền cho phép sử dụng vũ lực.

Khi Liên hợp quốc được thành lập hồi năm 1945, hội đồng này có 11 thành viên. Số thành viên này tăng lên 15 nước trong năm 1965 gồm 10 quốc gia được bầu chọn với nhiệm kỳ 2 năm và 5 nước có quyền phủ quyết là Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục