Mỹ từng sử dụng các phần tử phátxít trong Chiến tranh Lạnh

Các tài liệu được giải mật mới đây cho biết Mỹ từng sử dụng các phần tử phátxít làm gián điệp hoặc người cung cấp thông tin trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Mỹ từng sử dụng các phần tử phátxít trong Chiến tranh Lạnh ảnh 1CIA đã sử dụng khoảng 1.000 phần tử phát xít Đức làm gián điệp (Nguồn: AFP)

Các tài liệu được giải mật mới đây cho biết Mỹ từng sử dụng các phần tử phátxít làm gián điệp hoặc người cung cấp thông tin trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Giới chức quân đội Mỹ, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã sử dụng ít nhất 1.000 phần tử Đức quốc xã làm gián điệp chống lại Liên bang Xô viết (cũ) trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trong số những phần tử này có một số đối tượng từng giữ chức vụ cao trong đảng Đức Quốc xã, chúng được thuê làm gián điệp cho Washington tại châu Âu.

Cụ thể, cựu quan chức thuộc lực lượng cận vệ (SS) của Hitler, Otto von Bolschwing, người có nhiệm vụ phác thảo các chính sách khủng bố người Do Thái, cũng nằm trong danh sách tuyển dụng làm hoạt động gián điệp tại châu Âu.

Nhằm lôi kéo sự phục vụ trung thành của Bolschwing, CIA được cho là đã chuyển y và gia đình đến thành phố New York vào những năm 50 của thế kỷ trước.

Một phần tử Đức quốc xã khác là Aleksandras Lileikis, đối tượng có liên quan đến nhiều vụ thảm sát hàng chục nghìn người Do thái tại Litva, đã nhận lời làm gián điệp cho Mỹ tại Đông Đức. Tên này sau đó được chuyển đến thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ.

Cũng theo nguồn tin trên, đã có bằng chứng cho thấy sự can thiệp của CIA để tránh cho Lileikis nằm trong diện bị điều tra tội phạm chiến tranh.

Cố Giám đốc FBI, J Edgar Hoover không chỉ thông qua kế hoạch tuyển mộ trên, mà còn cố tình "làm ngơ" trước những hành động man rợ của số phần tử Đức quốc xã trong suốt Chiến tranh Thế giới II.

Những thông tin động trời trên được tiết lộ một tuần sau khi hãng thông tấn AP của Mỹ công bố một cuộc điều tra cho thấy Chính phủ Mỹ từng chi nhiều triệu USD cho hàng chục đối tượng phátxít bị tình nghi là tội phạm chiến tranh để "ép" những đối tượng này rời khỏi Mỹ.

Tuy nhiên Bộ Tư pháp Mỹ sau đó cho biết số tiền trên là khoản trợ cấp an sinh xã hội trả cho các cá nhân tự nguyện từ bỏ quốc tịch Mỹ và rời khỏi nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục