Mỹ-Trung: Từ 'khẩu chiến' đến cuộc chiến thương mại thực sự

Ngày càng có nhiều khả năng cuộc chiến thương mại kiểu “giả vờ” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn biến thành một cuộc chiến thực sự.
Mỹ-Trung: Từ 'khẩu chiến' đến cuộc chiến thương mại thực sự ảnh 1Cuộc chiến thương mại kiểu 'giả vờ' giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn biến thành một cuộc chiến thực sự.

Ngày càng có nhiều khả năng cuộc chiến thương mại kiểu “giả vờ” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn biến thành một cuộc chiến thực sự.

Theo nhận định của tờ The Economist, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ gia tăng biện pháp áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Trung Quốc, triển vọng hai bên đi tới một thỏa hiệp có vẻ như lùi dần.

Không chỉ vậy, trong một động thái được cho là “ra đòn” mới nhất với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump vừa quyết định hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các công ty của Mỹ và các công ty mới thành lập trong các lĩnh vực từ hàng không vũ trụ đến robot.

Động thái này xem ra sẽ gây ảnh hưởng lớn trong dài hạn cho mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc so với cuộc chiến trả đũa bằng thuế nhập khẩu, đồng thời nó cũng trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với cơ chế đầu tư mở của Mỹ trong nhiều thập niên qua.

Hơn nữa, hệ quả đáng lưu ý là Trung Quốc có thể thắt chặt đầu tư tại Mỹ. Theo thống kê của công ty tư vấn Rhodium Group, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới trong sáu tháng đầu năm 2018 đã giảm trên 90% so với cùng kỳ năm 2017, xuống chỉ còn 1,8 tỷ USD. Năm 2016, các công ty của Trung Quốc đã đầu tư một lượng FDI kỷ lục 46 tỷ USD vào thị trường Mỹ.

Trước đó, ngày 15/6, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã công bố hai danh sách hàng hóa của Trung Quốc mà Mỹ dự định áp mức thuế nhập khẩu với đợt áp thuế đầu tiên dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7. Trung Quốc cũng nhanh chóng trả đòn với một danh sách áp thuế trả đũa với quy mô tương tự.

[Doanh nghiệp Mỹ lo ngại hậu quả từ căng thẳng Mỹ-Trung]

Sau đó vào ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Trump đã chỉ thị cho Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer thảo ra một danh sách các sản phẩm trị giá 200 tỷ USD dự kiến sẽ phải đương đầu với mức thuế nhập khẩu 10% và một danh sách áp thuế khác trị giá 200 tỷ USD trong trường hợp Trung Quốc trả đũa. Ít nhất thì một số trong số những biện pháp cứng rắn này cũng có thể sẽ chuyển thành hành động và khi đó dự báo là cả hai bên đều khó tránh sẽ bị tổn thất.

Trung Quốc coi đợt áp thuế đầu tiên của Mỹ là hành động đơn phương vi phạm các quy định thương mại toàn cầu. Trung Quốc đã khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, phía đội cố vấn của Tổng thống Trump vẫn giữ quan điểm rằng Trung Quốc khởi xướng “cuộc chiến” này trước bằng hành động ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và áp các chính sách công nghiệp. Một khi thuế thu nhập được áp đặt, thì lý lẽ hay thậm chí là vai trò của WTO trong cuộc tranh chấp này đều có thể bị lãng quên.

Mỹ-Trung: Từ 'khẩu chiến' đến cuộc chiến thương mại thực sự ảnh 2Sản phẩm thép của Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Ít có hy vọng rằng ngày 6/7 tới sẽ trôi qua mà kế hoạch áp thuế nhập khẩu nói trên không bắt đầu có hiệu lực. Nếu thuế nhập khẩu không được áp đặt ngay, điều này có thể mang lại thêm thời gian cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, triển vọng “hòa bình” đang mờ dần. Ngày 19/6, cố vấn của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro, cho biết Mỹ hiện không có kế hoạch tức thời nào cho các cuộc đàm phán. Do vậy, bất kỳ sự trì hoãn nào trước khi công bố và áp đặt mức thuế trên cũng là nhằm để cho các cơ quan hải quan của Mỹ có thời gian chuẩn bị.

Ngoài ra, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) cũng cần có thời gian để quyết định đưa những mặt hàng nào vào danh sách chịu thuế. Lẽ dĩ nhiên, họ muốn tránh gây tổn thương càng nhiều càng tốt cho người tiêu dùng Mỹ cũng như cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Trong số những mặt hàng công bố ngày 15/6, có tới 95% giá trị nhập khẩu hàng hóa Mỹ là vốn và bán thành phẩm.

[Ông Trump tin tưởng sẽ giải quyết được tranh chấp với Trung Quốc]

Điều này sẽ làm giảm tác động tức thì lên giá tiêu dùng tại thị trường Mỹ, do chỉ có một phần chi phí hàng hóa tăng lên do ảnh hưởng của thuế. USTR cũng cần đảm bảo rằng các công ty nhập khẩu của Mỹ có thể tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, Trung Quốc hiện chỉ chiếm 8% tổng số sản phẩm nhập khẩu bị ảnh hưởng.

Việc khiến các công ty Trung Quốc phải chịu tổn thất từ việc áp thuế nhập khẩu cũng là một việc nói dễ hơn làm. Chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn tạo rào cản đối với tham vọng của Trung Quốc trong những lĩnh vực chiến lược mà nước này đã xác định trong chính sách “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025.”

Tuy nhiên, theo chuyên gia Yang Liang thuộc Trường Đại học Syracuse và Mary Lovely thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, có tới 55% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ hồi năm 2013 là của các doanh nghiệp 100% sở hữu nước ngoài.

Hàng bán dẫn nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 3,6 tỷ USD đang nằm trong danh sách có thể bị áp thuế chủ yếu là chi nhánh của các công ty Mỹ, trong đó thành phần có chứa các chip được thiết kế và sản xuất tại Mỹ; chúng có mặt tại Trung Quốc là vì được lắp ráp và thử nghiệm tại đây, một công đoạn cần nhiều lao động.

Đòn trả đũa của Trung Quốc sẽ nhằm vào những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại các bang đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Trump. Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại leo thang, thiệt hại sẽ khó phân biệt hơn.

Hồi năm 2017, Mỹ đã nhập khẩu 505 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Nếu lượng hàng hóa chịu thuế nhập khẩu tăng lên ngưỡng 250 tỷ USD, chưa nói đến 450 tỷ USD, thì việc tránh cho các sản phẩm như quần áo và đồ điện tử nằm trong diện này cũng khó có thể tránh khỏi, trong đó, những hàng hóa hầu như không có các nhà cung cấp thay thế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Mỹ-Trung: Từ 'khẩu chiến' đến cuộc chiến thương mại thực sự ảnh 3Nông dân thu hoạch nho tại California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Về phía Trung Quốc, ảnh hưởng của chiêu bài áp thuế nhập khẩu trả đũa có phần hạn chế khi năm 2017, nước này chỉ nhập khẩu 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, nhưng Trung Quốc có lựa chọn khác. Trung Quốc có thể dừng hay hạn chế học sinh và khách du lịch nước này đến Mỹ.

Trung Quốc cũng có thể tìm những cớ khác để làm gián đoạn hoạt động của các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã thảo luận với các công ty nước này trong việc tìm kiếm những sản phẩm thay thế cho các sản phẩm của Mỹ mà họ sử dụng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý rằng cho dù cuộc xung đột này diễn ra dưới hình thức nào và kéo dài bao lâu thì cũng sẽ không có bên thắng cuộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục