Mỹ-Trung thiếu động lực để phá vỡ bế tắc trong chiến tranh thương mại

Cả hai bên đều cho rằng Mỹ đang cố gắng xác định lại quan hệ Mỹ-Trung thông qua cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, quan điểm đó không hề vững chắc.
Mỹ-Trung thiếu động lực để phá vỡ bế tắc trong chiến tranh thương mại ảnh 1Hàng hóa được xếp dỡ tại cảng ở Long Beach, California, Mỹ, ngày 14/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng globaltimes.cn đưa tin cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang chìm trong bế tắc. Sự mất lòng tin chiến lược giữa hai bên đang ngày càng sâu sắc hơn.

Thêm vào đó, động lực chính trị để phá vỡ thế bế tắc này cũng không đủ. Liệu đây có phải là một cuộc chiến thương mại theo đúng nghĩa truyền thống hay không?

Ngay từ đầu, cả hai bên đều cho rằng Mỹ đang cố gắng xác định lại quan hệ Mỹ-Trung thông qua cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, quan điểm đó không hề vững chắc.

[Trung Quốc đợi thời cơ trong chiến tranh thương mại?]

Có vẻ như Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nhắm đến việc giải quyết sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ theo cách mà ông cho là phù hợp.

Tuy nhiên, ông lại có nhiều cố vấn cấp tiến xung quanh mình. Do đó, thái độ của Washington đang bấp bênh.

Việc Mỹ dồn ép thẳng tay “gã khổng lồ” công nghệ Huawei của Trung Quốc khiến người dân Trung Quốc nhận thấy rằng Mỹ không chỉ đơn giản là có ý định giải quyết sự mất cân bằng thương mại mà còn muốn “giáng một đòn đau” vào khả năng phát triển công nghệ cao của Trung Quốc và kiềm chế sự phát triển xa hơn nữa của Trung Quốc.

“Áp lực tối đa” mà Mỹ áp đặt cũng tạo ra một cảm giác khủng hoảng nghiêm trọng cho người dân Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc thỏa hiệp, điều đó có nghĩa là họ đang trao cho Mỹ quyền định nghĩa và định hình lại quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.

Mỹ sẽ dùng đến “áp lực tối đa” như một phương tiện để đòi quyền bá chủ đối với Trung Quốc, một thảm họa đối với an ninh quốc gia Trung Quốc.

Washington thường xuyên nói rằng mô hình phát triển của Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa, trong khi người dân Trung Quốc thường cho rằng giới quyền lực Mỹ không chấp nhận sự phát triển của Trung Quốc dựa trên sức mạnh hiện tại của họ.

Mỹ nên hiểu rằng sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi mong muốn của người dân Trung Quốc để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Về cơ bản, việc Mỹ ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc đã làm hạn chế quyền cải thiện cuộc sống của người dân Trung Quốc.

Nếu Mỹ liên kết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung với việc đàn áp những mong muốn của người dân, đó là một cuộc đối đầu nguy hiểm với quyền tập thể của người dân Trung Quốc.

Trung Quốc và Mỹ có thể đàm phán cách thức giao thương của họ. Sự phát triển của Trung Quốc sẽ là một quá trình đôi bên cùng có lợi.

Nếu sự phát triển của Trung Quốc lấy đi cơ hội của các quốc gia khác, sự phát triển đó sẽ không bền vững và Trung Quốc sẽ buộc phải điều chỉnh. Trung Quốc không thể chấp nhận cách tiếp cận kẻ cả của Mỹ.

Washington sử dụng thuế quan như một “cây gậy,” một động thái bá quyền đe dọa lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Nếu Mỹ thể chế hóa thái độ như vậy với Trung Quốc, sử dụng thuế quan và cắt giảm nguồn cung các sản phẩm công nghệ cao như một đòn bẩy, Trung Quốc chắc chắn sẽ kiên quyết chống lại áp lực của Mỹ bằng bất cứ giá nào.

Cả Trung Quốc và Mỹ phải rõ ràng và nói thẳng với nhau những gì họ muốn từ cuộc chiến thương mại. Những lời lẽ của họ phải phù hợp với hành động và tin tưởng vào phía bên kia.

Nếu sự mất lòng tin chiếm ưu thế trong vấn đề chiến lược này, quan hệ Mỹ-Trung khó có thể giảm bớt căng thẳng và bất kỳ thỏa thuận nào, nếu được ký kết, cũng sẽ sớm bị hủy bỏ.

Hội nhập kinh tế toàn cầu, xuất phát từ toàn cầu hóa, khác với hội nhập từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Người dân trên khắp các quốc gia trân trọng hòa bình và mệt mỏi với những xung đột và hỗn loạn. Điều này có nghĩa là một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ không tồn tại như một chiến lược dài hạn.

Trung Quốc và Mỹ nên tránh viễn cảnh xấu nhất có thể gây bất lợi cho cả hai nước và người dân của họ. Nếu Mỹ chọn cách đàn áp Trung Quốc, khi đó, các biện pháp đối phó sẽ là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục