Mỹ, Trung sẽ trụ vững cho dù Eurozone khó khăn

Trước cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực sử dụng đồng euro, hai nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc vẫn có khả năng hồi phục. Mặc dù tăng trưởng kinh tế Mỹ có xu hướng chậm lại nhưng thị trường lao động đã dần được cải thiện. Khu vực tư nhân của Mỹ đã tạo ra 367.000 việc làm trong 3 tháng qua. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc cũng không bị sụp đổ nếu châu Âu rơi vào suy thoái mặc dù nước này ít nhiều cũng bị tác động.
Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), hai nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc vẫn có khả năng hồi phục.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Mỹ có xu hướng chậm lại nhưng thị trường lao động đã dần được cải thiện. Khu vực tư nhân của Mỹ đã tạo ra 367.000 việc làm trong 3 tháng qua, so với mức 301.000 việc làm từ tháng 5 đến tháng 7 và đủ để kéo tỷ lệ thất nghiệp của nước này xuống 9% - mức thấp trong vòng 6 tháng.

Nhà kinh tế Nigel Gault thuộc IHS Global Insight cho rằng dù số liệu thương mại Mỹ dự kiến công bố ngày 10/11 cho thấy xuất khẩu sang châu Âu sụt giảm thì cũng chỉ lấy đi khoảng 0,6 điểm phần trăm mức tăng GDP của Mỹ, không đủ để đẩy nền kinh tế hiện đang tăng trưởng với tốc độ 2-3%/năm này trở lại suy thoái.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc cũng không bị sụp đổ nếu châu Âu rơi vào suy thoái mặc dù nước này ít nhiều cũng bị tác động.

Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc tuần trước cho thấy ngành chế tạo của nước này trong tháng 10 đã tăng trưởng chậm lại và đơn hàng xuất khẩu mới cũng giảm.

Số liệu dự kiến công bố hôm 10/11 sẽ cho thấy xuất khẩu trong tháng 10 tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn so với mức tăng 17,1% trong tháng 9, song thương mại không phải là động lực tăng trưởng kinh tế duy nhất của Trung Quốc.

Nhà kinh tế trưởng Carl Weinberg, thuộc High Frequency Economics, cho rằng: "40% tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đến từ tiêu dùng và tỷ trọng này sẽ còn tăng; khoảng 40% nữa đến từ đầu tư vào nhà máy và thiết bị."

Trung Quốc, không giống hầu hết các nền kinh tế phát triển khác, vẫn có không gian để tăng chi tiêu chính phủ hoặc nới lỏng các điều kiện tín dụng nếu triển vọng kinh tế xấu đi, trong khi sức ép lạm phát của nước này đang giảm.

Số liệu công bố hôm 9/11 tới dự kiến cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,5% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức 6,1% của tháng 9. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc vẫn cao hơn mức mục tiêu 4%, làm cho khả năng cắt giảm lãi suất khó có thể xảy ra.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng ngụ ý sẽ nới lỏng điều kiện tín dụng một cách có lựa chọn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng./.

Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục