Mỹ-Trung Quốc có thể tìm cách hợp tác trong cạnh tranh chiến lược

Căng thẳng và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và những động thái vũ trang thương mại mà Bắc Kinh gần đây nhắm vào một số nước càng khuyến khích lời kêu gọi chuyển hướng quan hệ kinh tế khỏi Trung Quốc.
Mỹ-Trung Quốc có thể tìm cách hợp tác trong cạnh tranh chiến lược ảnh 1Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là khẩu hiệu kích động tại Washington để các đảng phái hô hào lực lượng. (Nguồn: reuters.com)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, căng thẳng và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc cũng như những động thái vũ trang thương mại mà Bắc Kinh gần đây nhắm vào các quốc gia như Canada và Australia càng khuyến khích những lời kêu gọi chuyển hướng quan hệ kinh tế khỏi Trung Quốc.

Một số sự chuyển hướng thương mại là khó tránh bởi lòng tin sụt giảm và bất ổn leo thang sẽ làm tăng chi phí điều chỉnh rủi ro trong các hoạt động thương mại.

Đứt gãy quan hệ kinh tế có thể khiến Trung Quốc bị cô lập, song cũng đồng thời khiến thế giới nghèo đi rất nhiều. Sự thụt lùi của nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với sự chững lại của nền kinh tế châu Á bởi những mối quan hệ phức tạp của dòng chảy thương mại, đầu tư và tài chính khu vực. Đây sẽ là thiếu sót trong cả chiến lược kinh tế và an ninh, làm suy giảm sức mạnh kinh tế của khu vực, cũng như các mạng lưới an ninh, chứ không chỉ riêng mối quan hệ đồng minh của Mỹ vốn là nền tảng cho an ninh Đông và Đông Nam Á.

Việc rút khỏi nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc rút khỏi các chuỗi cung ứng khu vực phức tạp, hành động sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và chính trị cho châu Á và nền kinh tế toàn cầu. Hơn 20% giá trị gia tăng của ngành xuất khẩu của Trung Quốc là từ các nước láng giềng khác, 39% tổng giá trị từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn 90% thương mại của Trung Quốc đến từ các công ty tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài.

Phí tổn đầu tiên của cuộc chia tách nền kinh tế châu Á có liên kết với Trung Quốc sẽ rất lớn. Lấy ví dụ, thu nhập nội khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngay lập tức giảm hơn 11%. Các khoản đầu tư và thương mại của Nhật Bản (đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc), Hàn Quốc và các nước khác ở châu Á sẽ suy giảm. Không thể phủ nhận lợi ích đối với sự thịnh vượng và ổn định của khu vực nếu người ta có thể tránh hệ quả này. Việc rút lui không chỉ gây thiệt hại cho tất cả các nền kinh tế châu Á, sự sụp đổ trong thương mại khu vực sẽ càng gia tăng các rủi ro chính trị trong khu vực.

[Kỳ vọng gì từ quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc trong tương lai?]

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đều kêu gọi tái hợp tác với Trung Quốc, nhấn mạnh Trung Quốc đơn giản là một phần quá lớn của nền kinh tế thế giới để có thể chia tách. Thương mại Mỹ-Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng, cũng như các hoạt động đầu tư của Mỹ vào nền kinh tế này. Hiện vẫn chưa rõ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden định hình và triển khai chiến lược Trung Quốc toàn cầu như thế nào.

Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là khẩu hiệu kích động tại Washington để các đảng phái hô hào lực lượng. Trong khi đó, Trung Quốc luôn sẵn sàng tham gia cuộc chiến, bất cứ nơi nào họ có thể dẫn đầu hoặc cho dù kết quả có thể rất khó đoán. Trên thực tế, việc tìm cách hợp tác để củng cố trật tự thế giới, nhằm hạn chế cạnh tranh chiến lược và đem đến những kết quả tích cực ngày càng trở thành nhiệm vụ xa tầm với của cả Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi nhìn vào những gì họ sở hữu.

Trong bài viết đăng trên trang mạng eastasiaforum.org mới đây, nhà bình luận Dong Wang cho rằng “các tầm nhìn khác nhau về (trật tự) khu vực cần được hài hòa và người ta cũng cần phát triển cũng như đồng bộ một tầm nhìn bao trùm hơn (về trật tự đó).”

Theo nhà bình luận Wang, "trật tự khu vực trong tương lai phải là một trật tự của sự bao trùm và hội nhập, chứ không phải là loại trừ và cạnh tranh giữa các khối." Ông cho rằng quyết định xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Trung Quốc nên được xem xét theo hướng đó và đây là cơ hội để phục hồi hệ thống thương mại toàn cầu và khu vực mà người ta vốn không nên bỏ qua. Phối hợp với Trung Quốc trong các nhiệm vụ cải cách kinh tế sẽ rất quan trọng để thúc đẩy và hiện thực hóa những lan tỏa tích cực từ sự tăng trưởng của Trung Quốc trong tương lai đối với khu vực, nền tảng lớn của sự thịnh vượng khu vực.

Nhà bình luận Dong Wang thừa nhận rằng việc “chính trị hóa, vũ khí hóa và ban hành quá mức các công cụ tài chính trong vấn đề thương mại đang ăn mòn” sự thịnh vượng của khu vực.

Đàm phán về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP khó có thể tiến triển nếu không giải quyết một cách chi tiết và căn cứ theo nguyên tắc các vấn đề liên quan đến hành vì ép buộc thương mại của Trung Quốc với Australia, Canada và Nhật Bản, tất cả đều là các thành viên sáng lập của CPTPP.

Sự coi thường của Mỹ đối với các thể chế đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bắt đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến hệ thống thương mại dựa trên quy tắc đối mặt với nhiều áp lực. Việc đàm phán gia nhập CPTPP là cơ hội vàng để Trung Quốc thiết lập một lộ trình mới nhằm xây dựng lòng tin về các cam kết của nước này đối với hệ thống dựa trên luật lệ đa phương. Do đó, lộ trình này có ý nghĩa chiến lược lớn hơn việc đàm phán một hiệp định thương mại khu vực thông thường.

Sự quan tâm của Trung Quốc trong việc tham gia CPTPP cũng khích lệ Mỹ nối lại cam kết kinh tế ở châu Á, điều mà Washington chưa tỏ thái độ mặn mà trở lại. Như Dong Wang viết, điều này "sẽ buộc cả Washington và Bắc Kinh từ bỏ (tâm lý) một mất một còn của họ và thay vào đó là quan niệm quyền lực như một trò chơi đôi bên cùng có lợi."

Nếu Trung Quốc tiếp cận đàm phán CPTPP với tinh thần tích cực cần thiết để thành công, đó là một chiến lược có thể chứng minh hiệu quả bước đầu trong quan hệ hợp tác với Mỹ, mang lại cho các nước Đông Á và Thái Bình Dương cũng như nền kinh tế toàn cầu thêm nhiều lợi ích từ một một hệ thống thương mại quốc tế an toàn cũng như thúc đẩy thương mại khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục