Ngày 6/6, cố vấn kinh tế Mỹ Larry Kudlow cho biết Mỹ và Trung Quốc chưa đạt được thỏa thuận về việc giúp Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc tránh nguy cơ phá sản do các lệnh trừng phạt của Washington.
Trả lời phóng viên, ông Kudlow cho biết cho tới thời điểm hiện tại, giới chức hai nước đều chưa đưa ra được quyết định nào.
Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng 4 vừa qua cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc này trong vòng 7 năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.
[ZTE ký thỏa thuận sơ bộ với Bộ Thương mại Mỹ để dỡ bỏ cấm vận]
Tháng trước, truyền thông Mỹ đưa tin Bộ Thương mại nước này đã soạn thảo một thỏa thuận giúp ZTE duy trì hoạt động và tránh được nguy cơ phá sản. Theo đó yêu cầu ZTE đảm bảo an ninh mức độ cao, thay thế ban giám đốc điều hành và quản lý, phải mua linh kiện do Mỹ sản xuất và nộp khoản phạt 1,3 tỷ USD.
Một thông báo đăng trên Twitter ngày 25/5 của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hai bên đã đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại giữa 2 nước sau đó không đưa ra thông báo nào về vấn đề này.
Quyết định "cứu" ZTE đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của nhiều nghị sĩ từ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh mạng của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lập luận việc này nhằm tránh làm mất việc làm của nhiều công dân Mỹ./.