Kể từ ngày 5/11, Tehran phải chịu đựng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đánh vào lĩnh vực tài chính.
Tổng thống Donald Trump khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt đã có hiệu lực trước khi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào năm 2015. Theo nhận định của báo Les Echos, đây thực sự là một cơn ác mộng đối với tất cả các công ty Pháp hoạt động tại Iran.
"Cuộc sống của bạn có thể trở thành địa ngục," Karine Demonet- phụ trách về tuân thủ quy định tại Ngân hàng đầu tư công Bpifrance, nhấn mạnh trong bài thuyết trình về hậu quả của lệnh cấm vận Mỹ chống lại Iran đối với các nhà xuất khẩu Pháp.
Tại một diễn đàn các nhà quản lý doanh nghiệp và ngân hàng vừa được tổ chức tại Paris vào đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Kinh tế cho biết trong hai năm qua, xuất khẩu của Pháp sang Tehran đã đạt con số 1,5 tỷ euro.
Các nhà quản lý doanh nghiệp rất lo lắng. Trong số họ có vài người gốc Iran, làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực như vận tải biển, viễn thông, chăn nuôi...
Theo ông chủ một doanh nghiệp có 85% doanh thu đến từ Iran, thực tế thậm chí còn tồi tệ hơn những gì mọi người được nghe. Ông vừa tham gia Hội chợ viễn thông Tehran và cho biết tất cả các nhà mạng quốc tế đang rời đi.
Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 tại Vienna (Áo) bị Mỹ loại bỏ vĩnh viễn. Tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ thỏa thuận có mục tiêu dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận của phương Tây, nhằm đổi lấy việc Iran ngừng chương trình vũ khí hạt nhân. Washington đã quyết định khôi phục vòng trừng phạt thứ hai. Một số lĩnh vực bị đưa vào danh sách đen, trong đó có dầu khí và tài chính.
Karine Demonet từ Bpifrance cảnh báo kể từ nay, nếu tiếp tục giao dịch trong các lĩnh vực bị Mỹ cấm vận, các doanh nghiệp có nguy cơ bị đưa vào danh sách Đối tượng được chỉ định đặc biệt (Specially Designated Nationals - SDN), dùng để gọi những cá nhân hay tổ chức đóng góp bằng cách này hay cách khác để hỗ trợ một quốc gia bị cấm vận, theo Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ.
Dưới áp lực của OFAC, nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp đã buộc phải ra đi. Total rời khỏi dự án khí đốt South Pars trị giá 5 tỷ USD ở Vịnh Persia để tránh cơn thịnh nộ của Washington. Nếu tiếp tục dự án này, các hoạt động của Total tại Mỹ, quan hệ với các cổ đông Mỹ và với các ngân hàng Phố Wall sẽ gặp nhiều rủi ro.
Công nghiệp ôtô Pháp cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt. Tập đoàn PSA đã rút hơn 50 chuyên gia về nước trong khi Renault cũng đã ngừng hoạt động tại Iran. Không lĩnh vực nào có thể được an toàn kể cả một số được chính thức miễn cấm vận như viễn thông, dược phẩm và nông nghiệp thực phẩm.
Luật sư Olivier Dorgans giải thích: "Bằng cách nhắm vào ngành ngân hàng, Washington biết rất rõ rằng các quan hệ thương mại với Iran gần như là không thể. Khi các giao dịch ngân hàng bị tê liệt, tất cả các lĩnh vực khác đều bị ảnh hưởng."
Trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng trở nên căng thẳng.
"Nếu bạn làm việc với Iran, bạn trở thành một kẻ bị ruồng bỏ," một ông chủ doanh nghiệp từng là nạn nhân của sự kiểm duyệt này cho biết.
Không có gì đáng ngạc nhiên, các tổ chức tín dụng lớn sợ những đòn trừng phạt của Mỹ, điều mà Thỏa thuận Vienna không thể xóa bỏ được. Các ngân hàng có nguy cơ mất quyền hoạt động tại thị trường Mỹ. Khoản phạt lên đến 9 tỷ USD mà Mỹ áp dụng với BNP Paribas của Pháp trong năm 2014 vì đã vi phạm lệnh cấm vận thực sự trở nên ám ảnh.
[Ba lý do chứng minh các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ là vô ích]
Chưa hết, Bộ Tài chính Mỹ cử nhiều đoàn công tác đến các nước trên toàn thế giới để nhắc nhở các quy tắc liên quan đến lệnh cấm vận, theo luật sư Ardavan Amir-Aslani. Thậm chí, một tổ chức tài chính của Pháp tiết lộ đã phải đón tiếp các nhân viên tình báo CIA.
Vì không thể trông cậy vào các ngân hàng quốc tế lớn, các công ty Pháp tại Iran đã gõ cửa các tổ chức tín dụng nhỏ không có liên kết với Mỹ, như Delubac & Cie hay Wormser Brothers.
Dưới sự bảo trợ của Bộ Kinh tế Pháp, họ đã mở tài khoản để tạo thuận lợi cho lưu thông tài chính giữa doanh nghiệp Pháp và đối tác Iran. Tuy vậy, hoạt động này bị gián đoạn kể từ ngày 5/11, ngày mà các tổ chức tài chính và ngân hàng trung ương của Iran bị liệt vào danh sách đen. Do đó tất cả các đối tác nước ngoài có nguy cơ bị trừng phạt. Áp lực đè nặng lên giới ngân hàng và doanh nghiệp.
Vài tháng trước đó, các cơ quan công quyền Pháp đã vận dụng hết nỗ lực để tìm ra giải pháp. Ngân hàng Bpifrance đã cố gắng giúp đỡ các nhà xuất khẩu, bằng cách tạo ra một công cụ tín dụng không có bất cứ liên hệ nào với Mỹ. Quy tắc là đồng tiền lưu hành trong bộ máy này không được tiếp xúc với các luồng tài chính khác của ngân hàng.
Tuy nhiên đến nay, chương trình tín dụng xuất khẩu này không thể đối đầu với đòn cấm vận của Mỹ giáng vào các ngân hàng Iran.
"Điều đang bị đe dọa là chủ quyền châu Âu," Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire tuyên bố.
Không có chuyện châu Âu là một "lục địa chư hầu" và người châu Âu trở thành "nạn nhân" của lệnh trừng phạt Mỹ. Bộ trưởng Le Maire khuyến khích "thành lập các công cụ tài chính hoàn toàn độc lập."
Các nhà đầu tư nước ngoài có ý định tiếp tục kinh doanh với Iran hiện vẫn chưa có kế hoạch hành động cụ thể. Một số công ty có thể chọn cách tái đầu tư nguồn tài chính của họ ngay tại Iran. Họ phải dựa vào sự giúp đỡ của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Nga, hoặc sử dụng các tổ chức trung gian vùng Vịnh.
Trong quá khứ, Iran đã từng trải qua tình trạng bị cấm vận tài chính. Nhiều công cụ đối phó đã được thiết lập và hoạt động tốt. Lấy ví dụ, hệ thống chuyển tiền Hawala cho phép một công ty Iran thông qua bên trung gian thứ ba, có thể thanh toán với một nhà cung cấp nước ngoài mà không cần chuyển bất kỳ số tiền nào ra khỏi Iran. Hệ thống chuyển tiền chui này đã từng làm Washington điên đầu.
Theo các nhà phân tích, rất có thể nhiều phương pháp cũ sẽ tái xuất hiện với hình thức mới để đối phó hiệu quả với đòn trừng phạt của Mỹ./.