Mỹ-Trung cạnh tranh, gây khó cho nhiều quốc gia châu Á?

Cả quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa đều không giải quyết được nỗi lo ngại của các quốc gia châu Á về nguy cơ đối đầu Mỹ-Trung.
Mỹ-Trung cạnh tranh, gây khó cho nhiều quốc gia châu Á? ảnh 1(Nguồn: Sputnik)

Theo trang mạng edition.cnn.com, đó là một cơ hội để giội gáo nước lạnh vào một cuộc tranh cãi bùng nổ.

Các nhà lãnh đạo bộ Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã tham dự diễn đàn an ninh hàng đầu của châu Á hồi cuối tuần qua.

Tuy nhiên, không ai trong số họ, cả quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa, giải quyết được nỗi lo ngại ngày càng gia tăng trong các quốc gia châu Á nhỏ hơn về nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thay vào đó, họ đã sử dụng các bài diễn văn được mong đợi tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore để tung ra những cáo buộc lừa dối, phá hoại và nghi ngờ lẫn nhau.

Và tất cả những gì mà "những đứa trẻ còn lại trong sân trường" có thể làm là đứng nhìn, hy vọng mình không bị ăn đòn khi những cú đấm bắt đầu được tung ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng nước ông đang đứng trước nguy cơ ngày càng tăng là có thể bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh, về yêu sách của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông và các vấn đề khác.

"Nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi là khả năng rơi vào cơn mộng du trong một cuộc xung đột quốc tế khác như Chiến tranh Thế giới thứ nhất," Bộ trưởng Lorenzana nói.

Philippines có lý do để lo lắng. Nước này có một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Họ cũng chứng kiến quân đội Trung Quốc chiếm các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của họ và phủ nhận các quyền đánh bắt và khai thác của Manila, bất chấp phán quyết của (tòa trọng tài) Liên hợp quốc chống lại Trung Quốc trong vấn đề này.

[Có phải Mỹ-Trung đang bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới?]

Nhưng (Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc) Ngụy Phượng Hòa không nhượng bộ khi tuyên bố rằng Trung Quốc chưa bao giờ chiếm một tấc lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và sẽ không bao giờ từ bỏ một tất đất của chính mình.

"Trong khi họ tuyên bố tôn trọng quyền của các quốc gia," Lorenzana nói, "yêu sách của họ đối với biển Đông là không thể thương lượng."

Ngụy Phượng Hòa đã phớt lờ một câu hỏi, được đưa ra sau bài phát biểu của ông tại Đối thoại Shangri-La, về các hòn đảo mà Trung Quốc chiếm đóng.

Trong khi đó, Shanahan cho biết Mỹ sẽ tiếp tục gửi các tàu chiến đến khu vực gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng để khẳng định quyết tâm duy trì một khu vực tự do và mở cửa cho tất cả mọi người.

Sau đó, ông yêu cầu các đối tác và đồng minh của Mỹ tham gia và thể hiện cam kết đối với trật tự quốc tế "dựa trên các nguyên tắc."

Các đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Pháp và nhiều quốc gia khác đã làm như vậy trong những tháng gần đây, khi điều các tàu tới khu vực này để thực hiện tự do hàng hải.

Tuy nhiên, ông Ngụy Phượng Hòa cho rằng Mỹ - cũng như một số đối tác và đồng minh đó của họ - không nên hiện diện ở Biển Đông.

"Ai đang đe dọa an ninh và ổn định ở Biển Đông?" ông đặt câu hỏi, và tự trả lời rằng đó là các quốc gia ngoài khu vực, "những người đến để giương ai diễu võ" và sau đó "bỏ đi và để lại một mớ hỗn độn sau lưng."

Trung Quốc có các cách thức thuyết phục của họ. Ngụy Phượng Hòa đã đề cập Sáng kiến "Vành đai và Con đường," một kế hoạch sẽ cung cấp các khoản vay lớn cho các quốc gia trong khu vực và cả các quốc gia bên ngoài để phát triển kinh tế.

Shanahan tuyên bố Mỹ cũng có tiền và trích dẫn Đạo luật BUILD về việc Mỹ tài trợ cho các nước thu nhập thấp và trung bình.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc nêu rõ tiền mặt của Mỹ không có ràng buộc nào, không giống như Trung Quốc - những điều kiện ràng buộc có thể giúp Bắc Kinh về cơ bản tiếp quản các cơ sở hạ tầng ở các quốc gia không thể trả được các khoản vay.

Nhưng một đại biểu chất vấn đã chỉ ra rằng rất ít, nếu có, số tiền của BUILD đã được giải ngân. Đó không phải là điều tranh luận về sự ủng hộ của Washington vào thời điểm Trung Quốc đang mở hầu bao một cách hào phóng.

Tuy nhiên, với tiền bạc và sức mạnh quân sự đang tăng, không có gì lạ khi các quốc gia trong khu vực đang tự hỏi nên tin tưởng vào siêu cường nào (Mỹ hay Trung Quốc), và siêu cường nào - nếu có - thực sự có lợi ích cơ bản trong khu vực.

Meia Nouwens, chuyên gia phân tích của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận định: "Cả hai (Mỹ và Trung Quốc) đều thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, cũng như thiếu lòng tin giữa mỗi quốc gia với khu vực...

Và khu vực này nghi ngờ cả hai cường quốc vì những lý do khác nhau.

Những tuyên bố của Trung Quốc về sự trỗi dậy hòa bình không phù hợp với các hành động gây hấn của họ. Và những cam kết của Mỹ về việc tham gia, hợp tác và hỗ trợ khu vực không được thể hiện đủ bằng hành động"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục