Mỹ trợ cấp 1,5 tỷ USD cho nhà sản xuất chip GlobalFoundries

Những khoản trợ cấp như dành cho GlobalFoundries được xem như một sự thừa nhận của Chính phủ Mỹ rằng đầu tư vào hệ thống đổi mới là một tài sản an ninh quốc gia.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Anandtech)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Anandtech)

Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố dành cho nhà sản xuất chip GlobalFoundries có trụ sở tại New York khoản trợ cấp trị giá 1,5 tỷ USD.

Khoản trợ cấp trên sẽ được phân bổ cho ba dự án: một cơ sở chế tạo mới ở bang New York, mở rộng cơ sở hiện có ở New York để cho phép GlobalFoundries cung cấp chip cho General Motors và nâng cấp cơ sở ở Vermont để hỗ trợ sản xuất chip bằng vật liệu thế hệ tiếp theo.

Khoản trợ cấp của Bộ Thương mại Mỹ dành cho GlobalFoundries cũng bao gồm 10 triệu USD tài trợ cho phát triển lực lượng lao động nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động trong ngành bán dẫn. Đây là vấn đề đã cản trở các nhà sản xuất chip đầu tư vào năng lực sản xuất mới của Mỹ.

Việc đảm bảo các khoản đầu tư sản xuất đi đôi với tăng trưởng việc làm toàn diện cũng là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông Sujai Shivakumar, Giám đốc và thành viên cấp cao của một dự án đổi mới tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết cân nhắc đến quy mô chi phí đầu tư liên quan đến chế tạo chip, khoản trợ cấp 1,5 tỷ USD cho GlobalFoundries không phải là một khoản lớn.

Ông Shivakumar lưu ý những khoản trợ cấp như dành cho GlobalFoundries được xem như một sự thừa nhận của Chính phủ Mỹ rằng đầu tư vào hệ thống đổi mới là một tài sản an ninh quốc gia.

Trong khi các cơ sở sản xuất mới tại Mỹ do Intel, Micron và TSMC xây dựng sẽ sản xuất chất bán dẫn hàng đầu để sử dụng trong các ứng dụng điện toán tiên tiến, các cơ sở của GlobalFoundries sản xuất các dòng chip hiện hành và đời cũ hơn.

Những con chip truyền thống trên được chế tạo thông qua các quy trình ít phức tạp hơn nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ và sản xuất sản phẩm tiêu dùng.

Người tiêu dùng Mỹ nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của các con chip truyền thống trong đại dịch COVID-19, khi tình trạng thiếu các con chip này dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng và khách hàng phải chờ đợi lâu để mua ôtô, máy chơi game và đồ điện tử gia dụng.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ dành cho GlobalFoundries được đưa ra khi các nhà lập pháp Mỹ bày tỏ lo ngại về khả năng các công ty Trung Quốc thống trị thị trường chip truyền thống.

Trong một tuyên bố công bố khoản trợ cấp, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ có bốn công ty bên ngoài Trung Quốc có khả năng chế tạo các dòng chip hiện hành và đời cũ hơn và GlobalFoundries là công ty duy nhất có trụ sở tại Mỹ.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn có trụ sở tại Washington (Mỹ), Trung Quốc dự kiến sẽ tăng thị phần công suất sản xuất chip lắp đặt từ 11% vào năm 2019 lên 19% vào năm 2030.

Một số nhà phân tích nhận định các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã tăng công suất sản xuất khi phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận các công cụ tiên tiến nhất của "gã khổng lồ châu Á"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục