Mỹ triển khai việc đưa cố vấn quân sự tới Somalia

Lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua, Mỹ đưa cố vấn quân sự tới Somalia, động thái phản ánh gia tăng can thiệp quân sự vào châu Phi.
Hiện trường vụ nổ bom ngày 2/1 ở Somalia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một bước đi phản ánh rõ sự gia tăng hoạt động và can thiệp quân sự vào châu Phi, lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua, Lầu Năm Góc đã đưa các cố vấn quân sự tới Somalia.

Tờ Bưu điện Washington ngày 10/1 dẫn các nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết kể từ cuối năm 2013 tới nay đã có khoảng 20 chuyên gia huấn luyện và cố vấn quân sự Mỹ được đưa tới thủ đô Mogadishu của Somalia.

Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại châu Phi xác nhận lực lượng Mỹ đã được triển khai ở châu Phi từ hồi tháng 10/2013 và sẵn sàng hành động vào tháng 12.

Nhiệm vụ của nhóm cố vấn quân sự Mỹ tại Somali lần này là cố vấn và điều phối hoạt động của các đơn vị quân đội Somalia cũng như Phái bộ Liên minh châu Phi (AU) tại Somalia (AMISOM) nhằm chống lại các lực lượng vũ trang, trong đó có nhóm Hồi giáo al-Shabab có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1993, Mỹ đưa cố vấn quân sự tới Somalia.

Trong chiến dịch “Black Hawk Down” hồi tháng 10/1993, hai máy bay trực thăng của Mỹ đã bị bắn rơi tại Somalia làm 18 lính Mỹ thiệt mạng.

Sau vụ việc này, chính sách của Mỹ cấm binh lính nước này có mặt trên lãnh thổ Somalia, cho dù nạn hải tặc và các tay súng khủng bố ở Somalia đã nổi lên thành một nguy cơ an ninh đối với khu vực.

Trong vài năm qua, chính quyền Barack Obama đã bắt đầu tiến hành các hoạt động quân sự thận trọng tại quốc gia Đông Phi này. Các máy bay không người lái có vũ trang của Mỹ đóng tại một căn cứ ở nước láng giềng Djibuti thường xuyên thực hiện các chuyến bay do thám và tiến hành các cuộc không kích xuống các mục tiêu bị nghi ngờ ở Somalia.

Lính đặc nhiệm Mỹ cũng đã được triển khai tại Somalia vài lần để tấn công các phần tử khủng bố hoặc giải cứu con tin. Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng có nhiều năm hoạt động tại một căn cứ của nước này và tài trợ cho lực lượng an ninh Somali, song không công khai các hoạt động.

Từ năm 2007, Mỹ đã chi hơn 500 triệu USD giúp huấn luyện và trang bị cho một lực lượng của Liên minh châu Phi với 18.000 binh sỹ trong nỗ lực vãn hồi trật tự tại Somalia.

Tháng 1/2013, Mỹ mới chính thức công nhận chính phủ liên bang Somalia và tái thiết lập quan hệ ngoại giao, Tuy nhiên, cho tới nay Mỹ vẫn chưa mở lại Đại sứ quán tại thủ đô Mogadishu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục