Mỹ triển khai tiêm vaccine cho 28 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 5-11

CDC Mỹ đã chấp thuận khuyến nghị của ủy ban cố vấn khoa học về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi, xác định lợi ích vượt trội so với rủi ro tiềm tàng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Bloomfield Hills, bang Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, sớm nhất là từ ngày 3/11. Ước tính có khoảng 28 triệu trẻ em ở độ tuổi này tại Mỹ đủ điều kiện tiêm chủng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 2/11 đã chấp thuận khuyến nghị của ủy ban cố vấn khoa học về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi, xác định lợi ích vượt trội so với rủi ro tiềm tàng.

Liều lượng vaccine tiêm cho trẻ em ở nhóm tuổi này (10 microgram) ít hơn so với liều lượng tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên (30 microgram).

Giới chức Nhà Trắng cho biết trong tuần này, Chính phủ Mỹ sẽ phân phối 15 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 dành cho trẻ em tới các trung tâm tiêm chủng trên cả nước.

Dự kiến, chương trình tiêm chủng cho trẻ em sẽ hoạt động hết công suất vào tuần sau. Chương trình tiêm chủng này sẽ được thực hiện tại các phòng khám nhi khoa, bệnh viện nhi và hiệu thuốc.

Theo điều phối viên ứng phó đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients, phụ huynh có thể truy cập vào trang web vaccines.gov để tra cứu những địa điểm tiêm phù hợp cho con em mình.

Biến thể Delta đã khiến hàng nghìn trẻ em phải nhập viện và chiếm đến 25% số ca bệnh ở Mỹ. Vaccine của Pfizer được cho là có hiệu quả hơn 90% trong việc phòng ngừa triệu chứng ở trẻ em.

Việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ giúp giảm khả năng phải đóng cửa các trường học. Chính phủ Mỹ hiện đã mua 50 triệu liều vaccine của Pfizer cho chương trình tiêm chủng cho trẻ em, đủ để cung cấp cho 28 triệu trẻ em đủ điều kiện.

Tạp chí Y khoa The Lancet mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu về vaccine một thành phần Sputnik Light do Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tài trợ, cho thấy tính an toàn cao và hình thành phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn báo cáo trên cho biết vaccine Sputnik Light đã cho thấy hiệu quả cao cả khi sử dụng cho lần chủng ngừa đầu tiên, cũng như để tiêm chủng tăng cường.

Hầu hết các tác dụng phụ chỉ từ mức nhẹ đến trung bình, không có các tác dụng phụ nghiêm trọng.

RDIF nêu rõ nghiên cứu về tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vaccine Sputnik Light xác nhận rằng vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể mạnh mẽ ở cả những người trước đây chưa mắc bệnh và nhóm những người đã khỏi bệnh.

[Dịch COVID-19: Indonesia bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em 6-11 tuổi]

Vaccine Spunik Light đã được đăng ký ở hơn 15 quốc gia và đang làm các thủ tục đăng ký ở 30 quốc gia khác.

Kết quả điều tra do Trung tâm nghiên cứu ý dân thuộc Đại học UCSI ở Malaysia công bố ngày 3/11 cho biết trong số 1.075 người được hỏi có 71,4% mong muốn được tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3), 18,4% chưa chắc chắn và chỉ có 10,2% phản đối.

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn kết quả trên cho biết nhìn chung, tỷ lệ chấp nhận tiêm mũi tăng cường tương đối cao. Lý do chủ yếu là mũi tăng cường có thể cải thiện hiệu quả miễn dịch của người dân chống lại virus SARS-CoV-2.

Cụ thể hơn, trong số những người chọn tiêm mũi tăng cường, 79% cho rằng mũi tăng cường giúp họ an toàn hơn, 44,7% cho biết họ tin tưởng và làm theo hướng dẫn khuyến khích tiêm mũi tăng cường của chính phủ, 32,9% nói rằng có ấn tượng tốt với lần tiêm chủng đầu tiên, 17,4% lo ngại nếu không tiêm sẽ dễ bị mắc COVID-19 và 15,8% tiết lộ họ đơn thuần nghĩ là nên tiêm mũi tăng cường mà không nêu bất cứ lý do đặc biệt nào.

Trong khi đó, đối với những người chưa chắc chắn sẽ tiêm hoặc phản đối tiêm mũi tăng cường, 59% lo lắng khả năng xuất hiện biến chứng sau khi tiêm mũi tăng cường, 30,6% cho rằng tiêm 2 mũi vaccine là đủ an toàn.

Ngoài ra, 27,7% đơn thuần cho rằng không cần thiết phải tiêm mũi tăng cường, 14% tiết lộ họ đã có trải nghiệm tồi tệ trong lần tiêm chủng trước đây và 10,4% nói rằng họ từ chối tiêm mũi tăng cường là vì bản thân đã đủ khoẻ mạnh, không cần thiết phải tiêm thêm.

Theo Trung tâm trên, Malaysia đã nối lại các hoạt động kinh tế và bắt đầu coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Mũi tăng cường có thể được coi là biện pháp bảo vệ bổ sung chống lại COVID-19, cho phép người dân tiếp tục đời sống thường nhật một cách tự tin hơn.

Nhưng cho dù thế nào, các cơ quan chức năng cũng không nên coi nhẹ lo lắng của người dân về khả năng xảy ra biến chứng khi tiêm mũi tăng cường, nên công khai thêm thông tin về rủi ro biến chứng và thống kê các trường hợp bị biến chứng sau khi tiêm mũi tăng cường để người dân có cơ sở tốt hơn khi đưa ra quyết định có tiêm mũi tăng cường hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục