Mỹ trì hoãn quyết định về Hiệp định Paris cho đến sau hội nghị G7

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không đưa ra quyết định về việc liệu có rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hay không cho đến khi trở về nước sau Hội nghị G7.
Mỹ trì hoãn quyết định về Hiệp định Paris cho đến sau hội nghị G7 ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) ký một sắc lệnh ở Washington, DC ngày 27/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không đưa ra quyết định về việc liệu có rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hay không cho đến khi trở về nước sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), diễn ra cuối tháng này tại Italy.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 9/5, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết Tổng thống Trump muốn tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng với đội ngũ cố vấn, cân nhắc thận trọng cả khía cạnh kinh tế lẫn môi trường trước khi đưa ra quyết định có lợi nhất cho nước Mỹ.

Theo kế hoạch ban đầu, trong ngày 9/5, Tổng thống Trump sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) Scott Pruitt, Trợ lý Nhà Trắng Ivanka Trump cùng một số quan chức khác để thảo luận về số phận của Hiệp định Paris, song cuộc họp này đã bị hoãn lại.

Hiện đang có sự chia rẽ sâu sắc trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump về việc Washington có nên rút khỏi Hiệp định Paris hay không. Trong khi Ngoại trưởng Tillerson và Trợ lý Nhà Trắng Ivanka muốn Mỹ tiếp tục tham gia văn kiện này thì Giám đốc EPA Pruitt và chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon có ý kiến ngược lại.

[Mỹ tiếp tục cân nhắc Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu]

Ngay bản thân Tổng thống Trump cũng có sự mâu thuẫn. Ông từng từng tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Paris trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, song lại tỏ ra do dự về vấn đề này kể từ khi nhậm chức.

Thông tin về việc hoãn cuộc họp giữa Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn bàn về Hiệp định Paris đã phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán của Liên hợp quốcéo dài từ ngày 8-18/5 tại Bonn (Đức) nhằm bắt đầu phác thảo "bộ quy tắc" hướng dẫn các quốc gia thành viên thực hiện thỏa thuận nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua biện pháp cắt giảm khí thải nhà kính.

Bộ quy tắc này phải được hoàn thành trước năm 2018, thời điểm diễn ra đợt đầu đánh giá lượng khí thải nhà kính được cắt giảm. Tuy nhiên, lộ trình này có nguy cơ bị trì hoãn và thậm chí có thể bị đảo lộn khi thành viên có mức khí thải nhà kính cao thứ 2 thế giới là Mỹ có khả năng rút khỏi thỏa thuận.

Đã có 196 nước tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc.

Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).

Trong đó, Mỹ sẽ phải cắt giảm khoảng 26-28% lượng khí thải vào năm 2025. Tuy nhiên, trong tháng 3 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định về biến đổi khí hậu từ thời người tiền nhiệm Barack Obama​ vì cho rằng các quy định này cản trở ngành công nghiệp khai thác than đá và dầu mỏ.

Động thái này khiến dư luận trong và ngoài nước đặt dấu hỏi lớn về những cam kết của Mỹ liên quan đến các mục tiêu về khí thải toàn cầu bởi chính sách cắt giảm phát thải khí CO2 mà chính quyền tiền nhiệm Obama đưa ra là một phần cam kết của Mỹ đối với cộng đồng quốc tế.

Cùng ngày, cựu Tổng thống Obama cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới cần nỗ lực hợp tác nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu trước khi quá muộn.

Phát biểu tại một hội nghị về thực phẩm ở Milan (Italy), ông Obama nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một thách thức lớn nhất trong thế kỷ này. Theo ông, không một quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo, có thể tránh khỏi tác động của nó.

Ngay cả ở Mỹ, một số thành phố đã phải trải qua những trận lũ lụt trong những ngày nắng, cháy rừng kéo dài hơn và nguy hiểm hơn, băng đang tan ở Alaska.

Cựu Tổng thống Mỹ cho biết biến đổi khí hậu khiến trồng trọt khó khăn hơn, diện tích trồng hoa màu giảm và giá lương thực tăng kéo theo bất ổn chính trị.

Những người di cư từ khu vực Trung Đông và Nam Sahara ở châu Phi không chỉ do chiến tranh mà còn do tình trạng thiếu lương thực do biến đổi khí hậu gây ra.

Ông nhấn mạnh ngay cả khi mọi quốc gia ngừng phát thải carbon ngay lúc này, biến đổi khí hậu vẫn sẽ tác động đến thế giới trong nhiều năm nữa.

Do đó, các nhà lãnh đạo "cần gạt lợi ích trước mắt sang một bên, cùng nhau hợp tác để cứu hành tinh cho thế hệ tương lai"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục