Báo cáo mới nhất do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố ngày 30/4 cho rằng Trung Quốc chưa thực hiện đầy đủ các cam kết bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ theo thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 được hai nước ký kết vào năm ngoái.
Theo đó, bản báo cáo về vấn đề sở hữu trí tuệ nêu rõ, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Sáng chế, Luật Bản quyền và Luật Hình sự vào năm ngoái và công bố một số dự thảo biện pháp quản lý quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các bước cải cách này cần phải được thực hiện một cách hiệu quả và chúng cũng chưa có được những thay đổi mang tính nền tảng để có thể thay đổi cơ bản vấn đề vi phạm bản quyền trí tuệ ở Trung Quốc.
[Mỹ khẳng định quan điểm cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc]
Báo cáo của USTR cho biết hiện Mỹ vẫn chưa chắc chắn về hiệu quả của việc điều chỉnh luật pháp tại Trung Quốc, trong khi những vấn đề vi phạm nhãn hiệu và hàng giả vẫn tồn tại dai dẳng ở nước này. USTR cũng viện dẫn các quan chức Trung Quốc đưa ra tuyên bố rằng quyền sở hữu trí tuệ nên được liên kết với vấn đề an ninh quốc gia và nhu cầu phát triển đổi mới sáng tạo trong nước.
Theo USTR, những tuyên bố như vậy làm dấy lên lo ngại về áp lực chuyển giao công nghệ, cũng như đặt ra nhiều câu hỏi về việc liệu chính sách bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ có được áp dụng công bằng cho các chủ thể nước ngoài ở Trung Quốc hay không.
Do đó, USTR tiếp tục đưa Trung Quốc vào "Danh sách Theo dõi Chặt chẽ" vì các vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ cùng 8 quốc gia khác bao gồm Argentina, Chile, Ấn Độ, Indonesia, Nga, Saudi Arabia, Ukraine và Venezuela.
Ngoài ra, 23 nước khác được xác định là các đối tác thương mại của Mỹ nằm trong “Danh sách Theo dõi” và cần nhận được sự chú ý trong việc giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ. Danh sách này gồm Algeria, Barbados, Bolivia, Brazil, Canada, Colombia, CH Dominica, Ecuador, Ai Cập, Guatemala, Kuwait, Liban, Mexico, Pakistan, Paraguay, Peru, Romania, Thái Lan, Trinidad & Tobago, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam./.