Ngày 13/11, một tòa phúc thẩm của Mỹ ở bang California đã ra phán quyết chấp thuận cho lệnh cấm nhập cảnh mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump có hiệu lực một phần. Đây là lần đầu tiên lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền Washington, vốn vấp phải sự phản đối cả trong và ngoài nước, nhận được sự ủng hộ của một cơ quan tư pháp nước này.
Tòa phúc thẩm lưu động số 9 của Mỹ tại thành phố San Francisco đã ủng hộ một phần đối với yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump nhằm chặn một phán quyết của một tòa án cấp thấp hơn, vốn đình chỉ lệnh cấm nhập cảnh mới này.
Theo phán quyết mới, công dân các nước Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia và Cộng hòa Chad sẽ bị cấm nhập cảnh Mỹ trong trường hợp không có các mối liên hệ gia đình tại Mỹ. Tuy nhiên, lệnh cấm nhập cảnh không ảnh hưởng đến người dân 2 nước khác trong lệnh cấm của Chính quyền Mỹ là Triều Tiên và Venezuela.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Lauren Ehrsam khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ nhanh chóng thực thi phán quyết của tòa, đồng thời hy vọng lệnh cấm nhập cảnh mới sẽ có hiệu lực toàn phần.
[Sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Mỹ tiếp tục bị ngăn chặn]
Trước đó, vào cuối tháng 9/2017, Mỹ đã bổ sung Triều Tiên, Venezuela và Cộng hòa Chad vào danh sách các nước bị áp lệnh cấm nhập cảnh của Washington với lý do an ninh tại sân bay các nước này không được đảm bảo và thiếu sự hợp tác với giới chức Mỹ. Lệnh cấm mới này là nhằm thay thế 2 sắc lệnh cấm trước đó đã bị các tòa án liên bang ngăn chặn.
Hồi tháng Ba vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm công dân các quốc gia gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen tới Mỹ trong vòng 90 ngày và không cho phép người di cư từ các quốc gia này vào Mỹ trong 120 ngày.
Đây là sắc lệnh thay thế cho một sắc lệnh khác được tổng thống ký thông qua hồi tháng Một, trong đó phạm vi đối tượng chịu tác động rộng hơn, song đã bị tòa liên bang bác bỏ sau đó. Tổng thống Trump cho rằng lệnh cấm nhập cảnh là biện pháp nhằm bảo vệ nước Mỹ khỏi các mối đe dọa khủng bố từ các phiến quân Hồi giáo.
Tuy nhiên, sau nhiều lần sửa đổi, sắc lệnh cấm nhập cảnh vẫn liên tục vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm phản đối, cho rằng sắc lệnh thể hiện sự kỳ thị với người theo đạo Hồi./.