Mỹ tìm cách khơi thông bế tắc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên

Mỹ đang bắt đầu khởi động các cuộc thảo luận với Hàn Quốc nhằm thảo luận về hạt nhân của Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang liên tục đưa ra những yêu cầu nhắm nối lại đàm phán.
Mỹ và Triều Tiên vẫn đang tìm cách "gỡ rối" trong quá trình đàm phán với Triều Tiên. (Nguồn: Deccan Herald)

Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên, ông Stephen Biegun, ngày 15/12 đã đến Hàn Quốc trong bối cảnh Bình Nhưỡng tăng cường gây sức ép đòi Washington phải nhượng bộ nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bế tắc trước thời hạn chót vào cuối năm nay.

Chuyến công du của ông Biegun tới Hàn Quốc diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố họ đã tiến hành một “vụ thử nghiệm quan trọng” khác nhằm phát triển một loại vũ khí chiến lược để ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng những vụ thử nghiệm như vậy có thể giúp Triều Tiên chế tạo thêm nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới tận lãnh thổ Mỹ.

Ông Biegun không đưa ra bất cứ bình luận nào khi tới sân bay Incheon gần Seoul vào chiều 15/12. Theo kế hoạch, ông sẽ gặp người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon để thảo luận về cách thức duy trì các động lực thúc đẩy cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng và để đạt được sự tiến bộ trong những nỗ lực chung phi nhân nhân hóa, thúc đẩy hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

[Triều Tiên thử nghiệm quốc phòng để 'đánh bại đe dọa hạt nhân của Mỹ']

Ngoài ra, ông Biegun cũng sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong ngày 16/12 trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 3 ngày, sau đó sẽ tới Tokyo để tham vấn người đồng cấp phía Nhật Bản. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông có gặp các quan chức Triều Tiên tại biên giới liên Triều hay không.

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều Tiên rơi vào bế tắc kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai hồi tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt thỏa thuận. Hai bên đã tiến hành cuộc gặp cấp chuyên viên tại Thụy Điển hồi tháng 10, song không đạt kết quả. Triều Tiên cáo buộc Mỹ không đem đến bàn đàm phán một đề xuất mới đồng thời đề nghị Mỹ tới cuối năm 2019 phải đưa ra đề xuất mới nếu không quốc gia này sẽ từ bỏ đối thoại và lựa chọn con đường khác.

Trong bối cảnh quỹ thời gian đang ngày càng thu hẹp, có nhiều ý kiến quan ngại cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ nối lại hoạt động thử hạt nhân và tên lửa sau thời hạn nói trên, đưa tiến trình đàm phán trở về vạch xuất phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục