Giới chức Mỹ khẳng định nước này sẽ tiếp tục tham dự các hội nghị của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và dự kiến sẽ thông báo quyết định cuối cùng trong tháng 5 này.
Một nguồn tin chính thức cho biết hiện các đại diện của Mỹ đã có mặt tại Bonn, Đức, để tham dự hội nghị về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 8-18/5, trong khi các cố vấn của Tổng thống Trump sẽ có cuộc họp trong ngày 9/5 nhằm thảo luận cách thức giải quyết liên quan đến về Hiệp định Paris.
Các tín hiệu mâu thuẫn này cho thấy Chính phủ Mỹ đang để ngỏ các phương án trong khi chờ Tổng thống Trump quyết định xem có rút khỏi Hiệp định Paris hay không, một động thái vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Mặc dù Tổng thống Trump hiện vẫn nghiêng về phương án rút khỏi hiệp định này, song ông vẫn cho phép con gái Ivanka Trump, Trợ lý Nhà Trắng, thiết lập một tiến trình xem xét toàn diện nhằm đảm bảo ông sẽ nhận được các đánh giá từ cả các chuyên gia chính phủ lẫn khu vực tư nhân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Dự kiến bà Ivanka Trump sẽ có cuộc gặp với ông Scott Pruitt, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), trong ngày 9/5 để thảo luận về vấn đề này.
Ông Pruitt là người chủ trương rút khỏi Hiệp định Paris và luôn nghi ngờ tính xác thực của khoa học về việc con người đã tác nhân góp phần khiến Trái Đất ấm lên. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh động thái trên không đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump đã quyết định ở lại Hiệp định Paris. Trái lại, Mỹ sẽ cử một phái đoàn tới tham dự hội nghị "nhỏ hơn rất nhiều" so với những năm trước đây.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được đại diện 175 quốc gia, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc, ký kết tháng 4/2016 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York.
Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).
Trong đó, Mỹ sẽ phải cắt giảm khoảng 26-28% lượng khí thải vào năm 2025. Tuy nhiên, trong tháng 3 vừa qua, ông Trump đã ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định về biến đổi khí hậu từ thời người tiền nhiệm Barack Obama vì cho rằng các quy định này cản trở ngành công nghiệp khai thác than đá và dầu mỏ.
Động thái này khiến dư luận trong và ngoài nước đặt dấu hỏi lớn về những cam kết của Mỹ liên quan đến các mục tiêu về khí thải toàn cầu bởi chính sách cắt giảm phát thải khí CO2 mà chính quyền tiền nhiệm Obama đưa ra là một phần cam kết của Mỹ đối với cộng đồng quốc tế.
Trong một diễn biến liên quan, Trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề nghiên cứu khoa học, môi trường quốc tế và môi trường biển, ông David Balton khẳng định Mỹ cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào chương trình chống biến đổi khí hậu của Hội đồng Bắc Cực.
[13 doanh nghiệp lớn kêu gọi ông Trump không rút khỏi Hiệp định Paris]
Tuyên bố này được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Hội đồng Bắc Cực sẽ diễn ra vào ngày 11/5 tại Fairbanks, Alaska. Dự kiến Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ chủ trì hội nghị có sự tham gia của Ngoại trưởng các nước Nga, Canada và các quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực này.
Khu vực Bắc Cực hiện đang được các nhà khoa học cảnh báo sẽ hứng chịu thiệt hại về cơ sở hạ tầng lên tới hàng nghìn tỷ USD do biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới./.