Ngày 12/12, Trung tâm Đa dạng sinh học tại California của Mỹ thông báo sẽ kiện giới chức quản lý thuốc trừ sâu của bang này vì không bảo vệ được loài cáo nhỏ San Joaquin và 11 loài động vật quý hiếm khác trước mối hiểm họa từ các loại thuốc diệt chuột "kịch độc."
Trong thư thông báo của mình, trung tâm trên nhấn mạnh tác hại của "thuốc diệt động vật gặm nhấm" có độc tính cao đối với động vật hoãng dã được thể hiện rõ rệt đối với các loài động vật ăn thịt và xác thối, bao gồm sư tử núi, linh miêu Mỹ, cú và kền kền khoang cổ, những loài có thể ăn các loài gặm nhấm bị nhiễm độc.
Hơn 70% động vật hoang dã được xét nghiệm ở California trong những năm gần đây cho thấy bị phơi nhiễm với thuốc diệt chuột - loại thuốc chống đông máu thế hệ hai được các nhà quản lý các loài gây hại sử dụng rộng rãi.
Các sản phẩm này thường được sử dụng trong các hộp bẫy mồi và động vật ăn phải sẽ bị xuất huyết nội tạng trong nhiều ngày. Các chất này sau đó lại âm thầm gây ra mối đe dọa cho các động vật khác ăn phải những cá thể bị nhiễm độc.
[Thụy Sĩ cấm sử dụng thuốc trừ sâu chlorothalonil độc hại]
Cục Quản lý Thuốc trừ sâu của bang California đã cấm bán các loại hóa chất trên phục vụ tiêu dùng vào năm 2014, hạn chế sử dụng chúng cho các mục đích tiêu hủy đặc biệt và trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, Trung tâm Đa dạng sinh học cho biết mức độ phơi nhiễm hóa chất độc hại trong tự nhiên vẫn ở mức cao.
Cụ thể, số lượng loài cáo nhỏ Bắc Mỹ sinh sống gần thành phố Bakersfield chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề với 87% trong số này bị dương tính với siêu độc tố và đã có 5 trường hợp cáo chết do hóa chất được ghi nhận.
Nhóm này cũng trích dẫn một phân tích hồi năm 2018 trong đó ghi nhận hơn 85% số sư tử núi, linh miêu Bắc Mỹ và chồn mactet Bắc Mỹ, hay còn gọi là chồn pekan, được xét nghiệm bị phơi nhiễm với thuốc diệt chuột.
Các loài được bảo vệ khác bao gồm cú lông đốm, kền kền California, rắn Alameda và 4 loại chuột túi cũng đang bị đe dọa.
Bà Charlotte Fadipe, người phát ngôn của Cục Quản lý Thuốc trừ sâu của bang California, cho biết cơ quan này "đang tích cực nghiên cứu vấn đề này" và thừa nhận sự cần thiết "phải có các công cụ kiểm soát quần thể chuột để bảo vệ sức khỏe cộng đồng."
Cơ quan này cũng khuyến khích việc quản lý các sinh vật gây hại cần kết hợp với các biện pháp như sử dụng bẫy, loại bỏ rác thải và nguồn nước thu hút loài gặm nhấm, xử lý các loài thực vật có thể chứa sâu bọ và bịt kín các lỗ hổng trong các tòa nhà nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập của sinh vật gây hại./.